Non nước Việt Nam

Hình tượng con trâu trong văn hóa truyền thống

Cập nhật: 17/02/2021 08:29:54
Số lần đọc: 1374
Cùng với cây lúa nước, hình ảnh con trâu kéo cày trên đồng ruộng hay con trâu gặm cỏ hoặc đầm mình trong ao, hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị, thanh bình của vùng quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh hiền lành, cần cù của người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng nghìn năm qua.

Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật gần gũi, thân thiết với con người, là con vật không thể thiếu trong đời sống của người nông dân, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; “ta đây, trâu đấy đều cùng tính công”, con trâu kéo cày tạo ra thóc lúa nuôi sống con người.

Chính vì lẽ đó mà người nông dân luôn coi con trâu là tài sản lớn của gia đình, là đầu cơ nghiệp, sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương. Trải dài theo tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc ta, con trâu luôn đồng hành cùng người nông dân. Ngày nay cho dù xã hội phát triển, người dân dùng máy thay trâu nhưng không thể thay thế hoàn toàn mà vẫn phải nhờ đến sức kéo của trâu.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung, hình tượng con trâu gắn bó với cuộc sống của người nông dân, đặc biệt là trong văn hóa Việt Nam.
Trâu là một trong 12 con giáp gọi là (Sửu), đứng vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn), trâu có vai trò quan trọng trong canh tác nông nghiệp lúa nước.

Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện nét văn hóa Việt Nam. Con trâu cũng đóng vai trò quan trọng trên nhiều phương diện văn học, hội họa, ca dao, tục ngữ, phong tục... Trâu còn là con vật dùng để tế thần thánh trong 12 cung hoàng đạo, đó là cung Kim Ngưu.

Người ta quan niệm trâu là thánh vật nên thường dùng làm vật tế lễ, là biểu tượng cho cầu nối giữa trời và đất, người và tiên để thần tiên ban phước lành cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân gian yên bình. Trâu còn tượng trưng cho sự tốt lành, trong tâm linh dân gian, người dân quan niệm rằng: Ai nằm mơ trâu vàng đến nhà là điềm phú quý, cưỡi trâu vào thành là có hỷ sự, trâu sinh nghé là tâm thành ý nguyện….

Trâu còn biết đến trong tín ngưỡng như: đầu trâu, mặt ngựa (Ngưu đầu, Mã diện) là 2 sinh vật thuộc hạ của Diêm Vương chuyên thực hiện việc hành hạ, tra tấn người ở địa ngục. Ngoài ra còn có truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ, trong dân gian có huyền thoại Ngưu Lang Chức Nữ với chiếc cầu Ô Thước (Ô là con quạ, Thước là con chim khách). Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Thượng đế vì say mê một tiên nữ dệt vải tên là Chức Nữ đã bỏ bê việc chăn trâu.

Chức Nữ cũng mê mẩn tiếng sáo của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng tức giận bắt cả hai người phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân kẻ cuối sông. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước vào đêm mùng 7 tháng Bảy. Lúc chia tay nhau, cả hai đều khóc, nước mắt của họ rơi xuống trần gian trở thành những cơn mưa dai dẳng gọi là mưa ngâu.    

Con trâu là hình ảnh hiền lành, cần cù của người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những truyền thuyết về sự khôn ngoan, mưu trí của con trâu cứu người thoát khỏi nanh vuốt của kẻ ác như truyện "Trí khôn của ta đây"; rồi các phong tục, lễ hội chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu, tết cúng vía cho trâu…. Và như một lẽ tự nhiên con trâu đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc…

Với nền nông nghiệp trồng lúa nước, những câu tục ngữ, thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà…", "Ruộng sâu, trâu nái", "Chín đụn mười trâu"… đều nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người nông dân. Trồng cấy phải đúng thời vụ nếu không là "trâu chậm uống nước đục". Những người có sức khỏe, người ta thường nói "khỏe như trâu".

Khi nói về lúa nước trồng tại ruộng sâu, úng thủy thì chỉ có loài trâu mới có sức kéo mạnh để giúp người nông dân cày cấy như: “Rủ nhau đi cấy đi cày/Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu”; “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca dao chan chứa tình cảm này: “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy, ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau trong lúc lao động để quên đi mệt nhọc, vất vả: “Trâu kia kén cỏ bờ ao/Anh kia không vợ đời nào có con/Người ta có trước có sau/Thân anh không vợ như cau không buồng/Cau không buồng như tuồng cau đực/Trai không vợ cực lắm anh ơi/Người ta đi đón, về đôi/Thân anh đi lẻ, về loi một mình”.

Hoặc để gợi chuyện làm quen nhau: “Hỡi cô cắt cỏ bên đồng/Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha/Giàu thì chia bảy, chia ba/Thân em là gái được là bao nhiêu”. Các cô gái cũng hóm hỉnh, đáo để không kém: “Cưới em tám vạn trâu, bò/Bảy vạn dê, lợn, chín vò rượu tăm”...

Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác như: Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn thuận lợi hay không. Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân.  

Biểu tượng con trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, với xu hướng coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như: hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Gốc có bền, cây mới vươn cao, nền móng có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi. Cùng với cây lúa nước, con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003, hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam.

Năm Tân Sửu 2021 là năm gợi nhớ lại trong mỗi chúng ta, những người con đất Việt với ký ức đẹp về hình tượng con trâu trên cánh đồng, sau lũy tre làng, âm thanh tiếng mõ trâu lốc cốc trên non cao giữa ngút ngàn mây bay cùng hình tượng những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, đàn chim sáo đậu trên lưng trâu vụt bay, vụt đậu dưới đầm nước... Năm 2021 - năm con trâu Tân Sửu được gửi gắm ước vọng về một năm tràn đầy sung túc, sức khỏe, may mắn cho mọi nhà./.

Thiên Phước

 

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT