Non nước Việt Nam

Hậu Giang: Tết Chol Chnam Thmay năm nay vui hơn, rộn ràng hơn

Cập nhật: 15/04/2021 07:58:35
Số lần đọc: 902
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho biết, năm nay sẽ đón Tết Chol Chnam Thmay (từ ngày 14 đến 16-4) lớn, rộn ràng hơn năm ngoái bởi cuộc sống của họ ngày càng khấm khá...

Để đón Tết Chol Chnam Thmay rộn ràng, trang trọng, bà con phật tử vệ sinh, quét dọn chánh điện, sala, khuôn viên chùa.

Rộn ràng đón tết

Chùa Pô Thi Vongsa, ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer lớn và thu hút phật tử đến vào mỗi dịp lễ, tết nhiều nhất tỉnh, với hàng ngàn lượt người. Do đó, việc tổ chức Tết Chol Chnam Thmay được Ban quản trị chùa, phật tử chuẩn bị và hoàn thành hơn 1 tuần trước từ treo cờ đạo, sơn phếch một số tượng phật; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ...

Theo Ban quản trị chùa, điểm mới trong việc tổ chức Tết Chol Chnam Thmay năm nay là chùa xây “núi trâu” và tượng Phật bốn mặt. “Việc xây “núi trâu” vì năm nay là năm Sửu, còn tượng Phật bốn mặt để khi phật tử đến tụng kinh, trước khi vào chánh điện thì đến đây thắp hương và ước nguyện. Chúng tôi xây như thế nhằm tạo cảnh quan phong phú, đa dạng, thu hút phật tử đến cúng bái, vui chơi”, ông Danh Thu, Phó Ban quản trị chùa Pô Thi Vongsa, cho biết.

Ngoài ra, mấy ngày qua, nhiều người dân còn tập trung về bán nước giải khát, thức ăn nhanh, tổ chức một số trò chơi dành cho trẻ em trước cổng và trong khuôn viên chùa. “Chùa đang xây hội trường, gần đến tết chúng tôi yêu cầu thợ tạm ngưng vài hôm để việc vui chơi của bà con phật tử tại chùa không bị ảnh hưởng. Tết Chol Chnam Thmay năm nay chắc chắn sẽ rộn ràng hơn”, ông Danh Thu nói thêm.

Không rộn ràng, náo nhiệt như chùa Pô Thi Vongsa, nhưng việc chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay của chùa Ô Chum Vongsa, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cũng rất chu đáo, tươm tất. Theo đó, Ban quản trị chùa cùng các vị sư, sãi, phật tử dọn dẹp, vệ sinh chánh điện, sala, khuôn viên chùa; treo cờ đạo; sửa chữa loa nội bộ để đảm bảo âm thanh trong việc tụng kinh, tổ chức văn nghệ... “Dịp này, chúng tôi còn vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm khoảng 30 phần quà tặng cho gia đình khó khăn trên địa bàn nhằm giúp họ đón tết vui vẻ, ấm áp”, ông Danh Hậu, Trưởng Ban quản trị chùa Ô Chum Vongsa, cho biết.

Ngoài chuẩn bị đón tết, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang khi đến chùa, chuẩn bị nước khử khuẩn cho phật tử rửa tay khi vào chùa.

Cùng với đó, chính quyền địa phương còn phối hợp với chùa tuyên truyền phật tử cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhất là tuyên truyền sư sãi, phật tử chủ động phòng, chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự địa phương, đặc biệt tham gia bầu cử đầy đủ...

Việc chuẩn bị tết ở các chùa là vậy, còn tại nhà của các hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh cũng không kém. Các hộ dân tộc Khmer ngoài quét dọn nhà cửa, bàn thờ ông bà, cha mẹ, vệ sinh xung quanh nhà còn mua một số vật dụng giải trí, gói bánh...

Tết Chol Chnam Thmay năm nay, hộ bà Thị Hụ, ở ấp 4, xã Xà Phiên, sẽ đón lớn hơn năm ngoái vì cuộc sống khấm khá, đầy đủ hơn. Hộ bà Hụ có 12 công ruộng, vụ lúa Đông xuân vừa rồi năng suất đạt 1,2 tấn/1 công, trừ chi phí lời khoảng 5 triệu đồng/công.

Để đón tết Chol Chnam Thmay vui tươi, ấm áp, đầy đủ, ngoài dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nấu mâm cơm cúng, bà còn làm một vài mâm cơm để mời người thân, bạn bè đến chung vui. “Mấy ngày qua tôi còn tập một số bài hát và điệu nhảy lâm thôn để tham gia văn nghệ tại chùa”, bà Thị Hụ cho biết.

Cũng giống như bà Thị Hụ, nhiều hộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh cũng đón Tết Chol Chnam Thmay chu đáo, rộn ràng, bởi cuộc sống của họ ngày càng nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tiếp tục xây dựng tỉnh giàu đẹp

Theo ngành chức năng, năm 2020, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công - nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng với sự quyết tâm chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong thành tựu ấy, quý đại đức, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh có đóng góp quan trọng. Cụ thể, họ phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, đẩy mạnh lao động, sản xuất và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2021, vui mừng trước thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm đầu thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để tích cực hưởng ứng các hoạt động này, lãnh đạo tỉnh  mong quý vị đại đức, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ, cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, đoàn kết, gắn bó, phối hợp, đồng hành cùng chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, tiếp tục thực hiện nhiều việc làm ích nước, lợi dân, cùng Nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động các phật tử nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt phong trào yêu nước địa phương. Đặc biệt, tiếp tục phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng với người dân trên địa bàn tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, an ninh trật tự”.

Tết Chol Chnam Thmay năm nay đã đến từng gia đình, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh. Rồi những bản nhạc dù kê, hát aday, điệu nhảy lâm thôn sẽ được bà con thể hiện ở các chùa. Sang năm mới, họ mong cuộc sống ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT