Non nước Việt Nam

Hà Giang: Lưu truyền giá trị di sản cho mai sau

Cập nhật: 25/01/2022 12:37:32
Số lần đọc: 678
Tỉnh ta đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 – 2025; nhằm góp phần gìn giữ giá trị nhân văn quý giá cho các thế hệ mai sau.


Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao huyện Quản Bạ được khôi phục.

Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp nâng cao đời sống người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận; 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Về di sản văn hóa phi vật thể, đã tổ chức khảo sát nhận diện được 370 di sản, trong đó 22 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 18 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích bước đầu được quan tâm, có 29/62 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo đạt 46,7 %; 34 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng... 

Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác. Điển hình như công tác bảo tồn chưa tương xứng với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; việc phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển KT-XH chưa rõ nét; công tác kiểm kê di sản chưa được tiến hành thường xuyên, một số di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc có nguy cơ bị mai một; một số làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền. Nhiều di tích đã xếp hạng chưa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; một số di tích đã được tu bổ, tôn tạo nhưng chưa thể khai thác, phát huy giá trị.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Nghị quyết 15-NQ/TU đã xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển KT-XH bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ. Đồng thời, từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Theo đó, cộng đồng cần giữ vững các danh hiệu di sản văn hóa đã được ghi danh vào danh mục di sản thế giới và quốc gia. Chú trọng vai trò của các chủ thể văn hóa là người sáng tạo, gìn giữ giá trị văn hóa, trong phát huy di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc; tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới...

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được phục dựng, bảo tồn gắn với phát triển kinh tế du lịch. Xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng 5 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. 100% di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng các cấp được quy hoạch, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển du lịch. Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, trước mắt quan tâm chỉ đạo thực hiện cho 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc, trong đó tổ chức quy mô cấp tỉnh gồm: Lễ hội Khèn Mông, lễ hội thêu dệt thổ cẩm, lễ hội văn hóa dân gian dân tộc Nùng, lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội hoa Tam giác mạch... Hoàn thành cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Với nhiều giải pháp đồng bộ như bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển KT-XH. Xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa. Qua đó, góp phần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, vừa đạt được mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.

Bài, ảnh: Việt Tú

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT