Hành trang lữ khách

Farmstay xứ Quảng – Hướng đến du lịch xanh…

Cập nhật: 04/05/2021 09:17:25
Số lần đọc: 795
Với xu thế chuộng du lịch an toàn, du lịch xanh của du khách thì loại hình farmstay vốn thích hợp với địa hình trung du, làng quê ở tỉnh Quảng Nam đã mở ra định hướng phát triển phù hợp hiện nay.

Cánh đồng hoa tại Dien Phuong Riverside Village & Farm
 
Hiện nay, farmstay không phải là loại hình du lịch quá mới mẻ ở Quảng Nam hay các địa phương khác. Đây là mô hình trang trại nghỉ dưỡng kết hợp giữa “farm” - nông trại và “homestay” - khu lưu trú địa phương. Thực tế, du khách lưu trú tại farmstay không chỉ là tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá mô hình nông trại mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã và các nguồn thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại đây cùng với nhiều hoạt động trải nghiệm khác. Với các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… có những cánh đồng lớn, đất đai màu mỡ thì đây chính là tài nguyên du lịch nông nghiệp cần được khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng farmstay. Hơn nữa, các điểm này còn có một lợi thế là tọa lạc gần Hội An – trung tâm du lịch của tỉnh – nên dễ thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
 
Thời gian qua, một số mô hình farmstay bước đầu đã phát huy được vai trò không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch và thị trường. Đây cũng là cách làm để phát triển kinh tế bền vững khi có sự kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch. Nằm cách Hội An chỉ vài cây số, Điện Phương Riverside Village & Farm đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người trong vài năm trở lại đây để trải nghiệm du lịch farmstay, thử làm nông dân và check-in giữa cánh đồng đủ các loại hoa khoe sắc. Nơi đây như một làng quê thu nhỏ với không gian xanh mướt mắt cùng một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc, phát triển theo mô hình farmstay. Bà Phạm Thủy Tiên - Quản lý Điện Phương Riverside Village & Farm cho biết: Không gian lưu trú tại đây được thiết kế bằng vật liệu xanh và tối giản nhất có để du khách cảm nhận loại hình du lịch sinh thái đúng nghĩa, đồng thời trải nghiệm các hoạt động, ẩm thực nông nghiệp sạch, dân dã theo kiểu tour “một ngày làm nông dân”… Du khách có nhu cầu trải nghiệm tour này thì lưu trú một đêm để sáng hôm sau thức dậy từ sáng sớm ra đồng cùng những nông dân chăm sóc vườn hoa, các loại ra, rồi tự tay nấu nướng và thưởng thức ẩm thực từ nguyên liệu sẵn có tại đây, qua đó cảm nhận từ chính thành quả lao động của mình. Du khách tha hồ chụp hình check-in, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh sắc làng quê và nhiều loại hoa…

Mô hình du lịch farmstay luôn thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm
 
Bên cạnh không gian nông nghiệp, nông thôn trải đều với phong cảnh hữu tình, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có một số điểm đến ở vùng trung du cũng có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch farmstay. Tại huyện Núi Thành, có thể xây dựng làng du lịch sinh thái cộng đồng hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái Tú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây) bởi lợi thế có vùng đồi cây cối phủ xanh, khí hậu mát mẻ cả trong mùa hè, bên cạnh đó còn rất gần quần thể voọc chà vá chân xám sinh sống hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn để du khách khám phá, trải nghiệm. Tại huyện Nông Sơn, làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình (xã Quế Trung) với phong cảnh sông núi hữu tình, nhiều vườn cây ăn trái đặc trưng của vùng đất Nam Bộ là tài nguyên để phát triển mô hình farmstay. Hay làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) với những ngôi nhà cổ, vườn cây ăn quả, những bờ ngõ đá rêu phong đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn theo hướng du lịch xanh… Trên thực tế, cả 3 điểm đến vừa nay đều đang nằm trong “danh sách” hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng đến năm 2025 của UBND tỉnh. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Với chiến lược hướng đến du lịch xanh của tỉnh trong tương lai thì mô hình du lịch farmstay sẽ rất phù hợp khi khai thác được dư địa không gian, tài nguyên du lịch nông nghiệp, làng quê trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, từ tác động của dịch bệnh Covid-19 càng làm tăng nhu cầu du lịch xanh, hướng về thiên nhiên. Định hướng chiến lược phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam trong tương lai thì farmstay là một loại hình khá phù hợp. Thực tế, hiện nay ở Quảng Nam mới bắt đầu phát triển mô hình du lịch farmstay. Tuy nhiên, các điểm đến, mô hình nông trại gắn với du lịch farmstay nên đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá phù hợp với du lịch xanh. Đặc biệt, cách thiết kế hướng đến việc phục vụ khách đến check in, có nơi trải nghiệm làm vườn, trực tiếp chế biến và thưởng thức ẩm thực, lưu trú… để du lịch farmstay thực sự là sản phẩm thân thiện, bền vững với môi trường góp phần thúc đẩy kinh tế xanh.
 
Với mô hình du lịch farmstay, điểm khác biệt là tạo ra sản phẩm du lịch trải nghiệm nhiều hơn là du lịch tham quan. “Với chi phí cải tạo, đầu tư thấp và có thể hoàn thiện sản phẩm trong thời gian từ 5-10 năm thì farmstay hoàn toàn có thể là một trong những sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh để tạo đột phá trong thời gian tới”, ông Nguyễn Sơn Thủy – Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết thêm. Hình thành những farmstay hoạt động bài bản, thời gian đến, cần xây dựng các mô hình nông trại phát triển nông nghiệp gắn với du lịch theo từng giai đoạn và nhân rộng ra các địa phương nhằm tạo các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp. Mặt khác cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển nông trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch…
Hồ Thu
Nguồn: TTVH Quảng Nam

Cùng chuyên mục