Hoạt động của ngành

Du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Cần cú hích mạnh mẽ

Cập nhật: 15/02/2023 14:41:11
Số lần đọc: 509
Với tiềm năng, thế mạnh đã được khẳng định, thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa có nhiều nỗ lực triển khai chương trình phát triển du lịch, song kết quả còn rất hạn chế. Bên cạnh việc phát huy nội lực, huyện rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để đưa thế mạnh du lịch đi vào thực chất.

Khánh Vĩnh nằm giữa 2 trung tâm du lịch lớn là Nha Trang và Đà Lạt nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Địa phương có thế mạnh về rừng - thác - suối, khí hậu khá ôn hòa, mát mẻ, các loài động, thực vật đa dạng, phong phú, phù hợp với loại hình du lịch cảnh quan, thiên nhiên; nhiều địa danh lịch sử, truyền thống cách mạng…

Toàn cảnh khu du lịch sinh thái trải nghiệm Hợp tác xã Du lịch canh nông Nha Trang - Đà Lạt.

Ngoài Khu du lịch Yang Bay nổi tiếng, các điểm du lịch hoạt động khá lâu như: Suối Lách, Suối khoáng nóng Nhân Tâm..., gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình mới về du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm về hoạt động trang trại; chăm sóc sức khỏe bằng vật lý trị liệu; ẩm thực với các món ăn dân dã, đậm nét núi rừng như gà đồi, cá suối hoặc xây dựng vườn hoa thu hút khách tham quan đến thưởng ngoạn, chụp ảnh check-in. Cơ quan chức năng của huyện đã xác định nhiều điểm du lịch tiềm năng mới như: Suối khoáng nóng Khánh Thành; Khu du lịch sinh thái thác Zi - ông (xã Khánh Trung); Khu du lịch Giang Ly; điểm du lịch Suối Mấu - Thác Bầu (xã Khánh Thượng)...

Tuy nhiên, đến nay, công tác kêu gọi đầu tư du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện nhìn nhận, nền kinh tế huyện còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo cao nên kinh tế du lịch khó phát triển. Bên cạnh đó, du lịch còn gặp nhiều trở ngại như: Thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; các khu, điểm vui chơi giải trí tư nhân chưa phát triển; các khu thương mại chưa hình thành; các sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương còn đơn giản, thô sơ; cơ sở lưu trú còn ít, chưa đạt chuẩn. Theo thống kê, trên địa bàn chỉ có 4 nhà nghỉ, chưa có khách sạn; chưa xây dựng được làng nghề truyền thống; mức độ giải quyết lao động tại các cơ sở du lịch chưa đạt mục tiêu... Bà Nguyễn Thị Liễu - Thành viên Hợp tác xã Du lịch canh nông Nha Trang - Đà Lạt cho biết: “Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm du lịch chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp nên vướng thủ tục pháp lý về xây dựng; sản phẩm du lịch chưa phong phú; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất do chưa tiếp cận được nguồn vốn phát triển Hợp tác xã để phát triển du lịch. Ngoài ra, công tác tuyên truyền quảng bá còn yếu, rất mong được Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn, chỉ đạo”.

Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, bền vững; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại, tăng cường liên kết du lịch với bên ngoài... Huyện đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành du lịch gồm: Giải pháp về quản lý, quy hoạch; đồng bộ chính sách và thu hút đầu tư; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển khu, điểm vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại; phát triển nhân lực du lịch; tăng cường quảng bá, tuyên truyền về du lịch, dịch vụ; bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Tuy nhiên, với nhiều nội dung chuyên môn sâu, thiếu kinh phí, huyện rất cần sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, các cơ quan, ban, ngành liên quan để đánh thức các tiềm năng du lịch của địa phương.

Mới đây, huyện đã lập thủ tục thuê tư vấn xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kinh phí dự kiến gần 500 triệu đồng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025. Đề án sẽ tập trung khảo sát, sưu tầm tư liệu văn hóa truyền thống các dân tộc; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống; bồi dưỡng chuyên môn, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho công chức xã, nghệ nhân; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; hỗ trợ đầu tư điểm du lịch tiêu biểu...

V.L

 

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Ngày đăng 14/02/2023

Cùng chuyên mục