Hoạt động của ngành

Du lịch Bình Dương ngày càng phát triển

Cập nhật: 09/07/2020 14:52:54
Số lần đọc: 2222
Cùng với sự đi lên của tỉnh nhà, ngành du lịch Bình Dương cũng ngày càng phát triển hơn. Ngoài những tiềm năng sẵn có và lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành thêm nhiều khu, điểm du lịch có quy mô lớn, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân địa phương và du khách...


Đoàn khách đầu tiên từ sản phẩm liên kết du lịch vùng đến tham quan tại một điểm du lịch trên địa bàn huyện Dầu Tiếng

Sản phẩm đa dạng

Bình Dương được nhiều người biết đến là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, năng động. Không chỉ ấn tượng về kinh tế, vùng đất Bình Dương xưa nay còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Đây là những tiềm năng đã và đang được ngành du lịch Bình Dương quan tâm khai thác, nhằm phát triển sản phẩm du lịch tỉnh nhà ngày càng đa dạng hơn.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 41 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã được công nhận. Trong quá trình phát triển đi lên, Bình Dương còn là nơi có nhiều nghề thủ công truyền thống đặc sắc, nổi tiếng. Những sản phẩm thủ công được chế tác từ những làng nghề nổi tiếng có tuổi đời hàng trăm năm trên đất Bình Dương đã tạo được dấu ấn gần xa. Nhắc đến làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc của đất Bình Dương, phải kể đến làng gốm sứ Lái Thiêu, Tân Phước Khánh; làng mộc, chạm khắc gỗ ở Chánh Nghĩa, Phú Thọ; làng sơn mài Tương Bình Hiệp...

Đến với Bình Dương, du khách còn được tham quan các danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái, tham gia các lễ hội truyền thống. Hệ thống các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, như: Hồ Dầu Tiếng, hồ Than Thở, hồ Cần Nôm, hồ Đá Bàn, hồ Phước Hòa có khả năng đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí trên mặt nước, các hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, hệ thống các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính cũng như các kênh rạch đã tạo nên hệ thống cảnh quan sông nước cùng miệt vườn cây trái xanh tốt quanh năm là những tiềm năng để phát triển du lịch tỉnh nhà. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh còn diễn ra các lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo khách thập phương tham gia. Nổi bật nhất là lễ hội Rằm tháng giêng diễn ra tại Miếu Bà Thiên Hậu ở TP.Thủ Dầu Một.

Trong phát triển du lịch, ẩm thực cũng được nhắc đến với những món ăn mang hương vị đặc trưng, độc đáo của đất Bình Dương. Một số món ăn nổi tiếng, như bánh bèo bì Mỹ Liên (có lịch sử hơn 100 năm), gỏi gà măng cụt, gà nướng sầu riêng... Tất cả cùng hòa quyện, tạo nên những giá trị ẩm thực độc đáo, thu hút du khách gần xa.

Để du lịch phát triển

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, du lịch Bình Dương ngày càng phát triển hơn. Ngành du lịch tỉnh nhà đã vận dụng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển du lịch vào tình hình thực tiễn của địa phương.

Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16- 1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Dương cũng có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là cơ sở giúp ngành du lịch Bình Dương có căn cứ để phát triển, phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Ngành du lịch tỉnh nhà đã tích cực khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. “Ngoài những sản phẩm du lịch sinh thái, đường sông, nghỉ dưỡng, thể thao... hiện nay có một sản phẩm du lịch mà tỉnh đang rất quan tâm đó là phát triển du lịch công nghiệp. Đây là một trong những sản phẩm tạo nên điểm mới lạ để thu hút du khách đến với Bình Dương trong thời gian tới...”, ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 đơn vị lữ hành, trong đó có 10 đơn vị hoạt động lữ hành quốc tế, 4 văn phòng đại diện. Hệ thống cơ sở vật chất du lịch đang ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 743 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 12.700 phòng, trong đó có 41 khách sạn xếp hạng từ 1 - 5 sao, với 1.022 phòng. Hệ thống nhà hàng, cơ sở ăn uống khá đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân và khách du lịch. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn, nguồn hàng hóa phong phú, dồi dào... đã đáp ứng phần nào nhu cầu của khách du lịch khi đến địa phương. Đặc biệt, sản phẩm gốm sứ, sơn mài Bình Dương rất được du khách ưa chuộng, thường mua về làm quà khi có dịp đến với Bình Dương.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự vào cuộc của ngành du lịch, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, trong thời gian qua, ngành du lịch Bình Dương đã có sự phát triển đáng kể. Lượt khách du lịch đến Bình Dương ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Phong cho rằng, trong thời gian tới, ngành du lịch Bình Dương cũng đặt ra một số vấn đề cần tập trung thực hiện, đó là khai thác, đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, làm mới sản phẩm; liên kết sản phẩm du lịch, nhất là liên kết vùng Đông Nam bộ để thúc đẩy du lịch Bình Dương ngày càng phát triển; hỗ trợ và chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có cơ hội tìm hiểu, tham gia thực hiện các dự án đầu tư, phát triển du lịch ở địa phương; đào tạo, tập huấn các nguồn lực để phục vụ cho sự phát triển du lịch ngày càng cao...

“Với những lợi thế về tiềm năng và vị trí, du lịch Bình Dương đã và đang hình thành, khai thác nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn để giới thiệu đến người dân địa phương và du khách gần xa, như: Nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, mua sắm, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa, thể thao…”.

(Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

HỒNG THUẬN

Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục