Non nước Việt Nam

Đồng bào dân tộc Khmer phấn khởi đón lễ hội Oóc Om Bóc

Cập nhật: 11/11/2019 08:27:11
Số lần đọc: 775
Oóc Om Bóc là một trong những lễ hội lớn nhất, tưng bừng nhất của đồng bào dân tộc Khmer vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch hàng năm.


Các đội thi đấu ghe Ngo trong lễ hội Oóc Om Bóc. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Trong những ngày này, đồng bào dân tộc Khmer ở các địa phương trong tỉnh Kiên Giang chuẩn bị chu đáo mọi thứ để mừng đón lễ hội.

Theo ông Võ Đồng Lập, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer lần thứ 13 năm 2019 diễn ra ngày 8-12/11 (ngày 12-6/10 âm lịch), tại thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao, đúng vào dịp lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer.

Ngày hội năm nay được tổ chức quy mô cấp tỉnh, với phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm các hoạt động lễ Khai mạc, lễ Cúng trăng và lễ Bế mạc; phần hội gồm Hội chợ thương mại, triển lãm, giới thiệu làng nghề truyền thống, tranh, ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Khmer cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Kiên Giang hiện có hơn 440.440 hộ, với trên 1,8 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc Khmer có 56.782 hộ với 242.602 khẩu, chiếm 13,4%.

Sau nhiều năm được Đảng, Nhà nước hỗ trợ về chính sách nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn tạo điều kiện phát kinh tế-xã hội, cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer có những bước phát triển đáng kể. Nhờ đó, năm nay bà con đón lễ hội Oóc Om Bóc vui tươi hơn.

Đến các phum sóc có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở huyện Vĩnh Thuận những ngày này, không khí chào đón lễ hội rất nhộn nhịp, tưng bừng. Bà con tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm những món bánh truyền thống để cúng vào dịp lễ này (cúng trăng). Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao cũng được chuẩn bị chu đáo, công phu.

Theo anh Danh Nhỏ, ngụ tại xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, mỗi năm gần đến dịp lễ hội Oóc Om Bóc, bà con ở đây ai cũng nô nức, phấn khởi chuẩn bị đủ mọi thứ. Ngoài việc rủ nhau làm cốm dẹp (món ăn không thể thiếu trong dịp lễ), đến chùa cúng lễ, bà con mong đợi nhất là được đi thi đấu ghe Ngo, đua thuyền rồng.

Hoạt động không thể thiếu trong dịp lễ Oóc Om Bóc là đua ghe Ngo. Với đồng bào dân tộc Khmer, chiếc ghe Ngo chính là hình ảnh đại diện cho phum sóc của mình, là biểu hiện của sự ấm no, sung túc. Chính vì vậy, chiếc ghe Ngo được cất giữ tại chùa, bảo quản rất cẩn thận để tham gia đua trong các ngày lễ quan trọng.

Điều đáng chú ý, cứ mỗi lần tham gia giải đấu, Ban quản trị ở các chùa đều chỉnh sửa hay sơn phết lại toàn bộ hoa văn để tô thêm vẻ đẹp của những chiếc ghe trước khi “ra trận.”

Đua ghe Ngo không chỉ là cuộc thi đấu mà còn là dịp để bà con người Khmer được tham gia vào các hoạt động thể thao truyền thống, vui chung với niềm vui đón mừng lễ Oóc Om Bóc, mừng lúa mới và mừng vụ mùa bội thu.

Ông Lê Văn Hữu là gương mặt rất quen thuộc với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Gò Quao. Ông luôn cùng với các con cháu trong gia đình và hàng xóm ở xã Định Hòa tham gia đầy đủ các phong trào văn nghệ, thể thao, trong đó nổi bật là môn đua ghe Ngo.

Lễ hội Oóc Om Bóc năm nay, ở xã Định Hòa có hai chiếc ghe Ngo tham gia thi đấu ba nội dung, gồm đội nam, đội nữ và nam-nữ phối hợp. Là người trực tiếp thi đấu, ông Hữu dù đang trong mùa vụ nhưng vẫn cùng bà con trong xã tranh thủ đi làm đồng sớm để về tập luyện thi đấu đạt kết quả tốt nhất.

Theo ông Lê Kim Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Quao, để chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch Khmer tỉnh lần thứ 13 năm 2019 và để giúp đồng bào Khmer trên địa bàn huyện vui đón lễ Oóc Om Bóc tham gia thi đấu tốt các môn bóng đá, bóng chuyền, đua ghe Ngo... huyện đã chỉ đạo ngành chức năng vận động bà con thực hiện xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 được 5.100ha; triển khai kế hoạch bao tiêu vụ lúa Đông Xuân hơn 4.800ha...

Bên cạnh đó, huyện Gò Quao đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn mặn xâm nhập phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh trong mùa khô 2019-2020 để bà con, nhất là đồng bào dân tộc Khmer an tâm, vui ngày hội lớn.

Dịp này, các huyện Hòn Đất, Giồng Riềng, Châu Thành... nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer đã tổ chức liên hoan văn nghệ Khmer, đua ghe Ngo cấp huyện.

Anh Danh Bồ Na, ngụ tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, cho biết để tham gia giải đấu được tốt, anh chị em nam, nữ trong xã đã tập hơn tháng nay. Xã đã cử 1 đội tham gia giải đua ghe Ngo cấp huyện được tổ chức ngày 5/11 vừa qua, xem đó như là cử tập để sẵn sàng tham gia giải cấp tỉnh.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt chủ trương chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống của bà con dân tộc Khmer.

Hòa thượng Danh Đổng, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, vui mừng cho biết đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh dần biết làm ăn, kinh tế ngày một khá giả hơn trước. Đó là nhờ các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, bà con dân tộc Khmer ngày nay đã xóa dần các tập tục lạc hậu để áp dụng các tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, chăn nuôi; giảm dần các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan... Từ đó, bà con bắt đầu có tích lũy, vươn lên, nên năm nay đón lễ hội Oóc Om Bóc vui tươi, đầm ấm.

Lễ hội Oóc Om Bóc năm 2019 không chỉ mang ý nghĩa của lễ hội truyền thống, mà còn tạo gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc anh em để vươn lên. Đây cũng là động lực giúp đồng bào dân tộc ra sức thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT