Tin tức - Sự kiện

“Đòn bẩy” thúc đẩy du lịch hồi phục

Cập nhật: 05/04/2021 09:11:53
Số lần đọc: 763
Dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch vừa phải lo phòng, chống dịch vừa tìm cách “xoay trục”, tập trung phục vụ thị trường khách nội địa. Mùa cao điểm du lịch (từ tháng 4 đến tháng 9) đã bắt đầu, mang lại cơ hội lớn cho các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp... Từ đây, Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2021 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là “đòn bẩy” góp phần phục hồi ngành “công nghiệp không khói” của nước ta.


Du khách sử dụng thiết bị thuyết minh tự động khi tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Linh Tâm

Hiệu quả từ chương trình kích cầu

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch gần như tê liệt hoàn toàn. Nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển ngừng hoạt động. Phần lớn nhân lực phục vụ du lịch phải chuyển nghề khác để mưu sinh. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động các đợt kích cầu du lịch nội địa nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước nhiều hơn.

Đánh giá về hiệu quả của các đợt kích cầu du lịch trong năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết: Chương trình kích cầu du lịch giúp các doanh nghiệp, địa phương, điểm đến vượt qua khó khăn, hiệu quả thấy rõ. Theo đó, Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020 chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I (tháng 5/2020) được bắt đầu ngay sau khi dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội với Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, góp phần giúp du lịch khởi sắc trở lại khi tỷ lệ khách du lịch nội địa tháng 6/2020 tăng khoảng 1,5 - 3 lần so với tháng 5/2020.

Giai đoạn II được bắt đầu sau đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương hồi cuối tháng 7-2020 với chủ đề: “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Từ đây, nhiều liên minh kích cầu du lịch được hình thành, trong đó nổi bật là liên kết giữa các tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định...

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn cũng vào cuộc mạnh mẽ, đưa ra nhiều dịch vụ trọn gói có mức ưu đãi lên tới 30 - 40% gồm khách sạn, vé khu vui chơi giải trí, ẩm thực... Các hãng hàng không hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, mang đến các gói dịch vụ vé máy bay - khách sạn, vé máy bay - khu vui chơi giải trí với giá ưu đãi từ 10% - 40%. Các doanh nghiệp du lịch xây dựng nhiều sản phẩm mới, đưa ra các gói dịch vụ giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, lượng khách du lịch nội địa tăng đáng kể.

Nghệ An là một trong những địa phương được hưởng lợi sau chương trình kích cầu du lịch lần thứ nhất, đặc biệt là sau khi hợp tác với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội xây dựng sản phẩm charter (thuê nguyên chuyến) bằng tàu hỏa. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: “Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020 mà điển hình là sự liên kết, hợp tác với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã mang lại kết quả khả quan cho du lịch Nghệ An. Nhờ đó, quý I/2021, lượng khách du lịch đến Nghệ An đạt 1.027.000 lượt (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.159 tỷ đồng”.

Không chỉ giúp ngành Du lịch phục hồi hoạt động, Chương trình kích cầu du lịch nội địa còn làm thay đổi thói quen của nhiều người. Chị Trần Hồng Giang (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường xuyên đi du lịch nước ngoài 2 - 3 lần/năm. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, gia đình tôi chuyển hướng khám phá các điểm đến trong nước. Có đi mới thấy đất nước mình đẹp không thua kém các nước khác mà chi phí lại rẻ hơn. Nếu du lịch outbound (du lịch ra nước ngoài) có mở cửa trở lại, gia đình tôi sẽ vẫn đi du lịch trong nước”.

Sôi động các sản phẩm kích cầu

Sau khi kiểm soát thành công đợt dịch thứ ba bùng phát tại Hải Dương, Quảng Ninh hồi đầu năm 2021, ngành Du lịch lại chuẩn bị thực hiện chương trình kích cầu nhằm thu hút khách trong mùa cao điểm và đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 sắp tới. Nhiều doanh nghiệp lữ hành như Vietravel, FlamingoRedtours, VietSense, Hanoi Tourism, Hanoitourist, Golden Tours... đã tung ra nhiều gói sản phẩm hấp dẫn nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Tổng cục Du lịch và Chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” của thành phố Hà Nội. Cùng với đó là sự vào cuộc của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietjetAir hay “tân binh” Vietravel Airlines.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc chi nhánh miền Bắc Vietnam Airlines cho biết: “Sau khi kiểm soát được đợt dịch thứ 3, đây là dịp tốt để phát động chương trình kích cầu du lịch bởi nhu cầu của người dân bị “nén” từ trước đó sẽ càng “bật” mạnh hơn trong mùa cao điểm sắp tới. Vietnam Airlines sẽ mở thêm 60 đường bay tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc..., nâng tổng số lên 500 chuyến/ngày”.

Cùng với các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, nhiều tỉnh, thành phố cũng tích cực đưa ra các gói hỗ trợ và chương trình kích cầu: Đà Nẵng áp dụng chính sách miễn thu phí tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và các công trình văn hóa, bảo tàng; Ninh Bình tổ chức “Năm Du lịch quốc gia 2021” với nhiều hoạt động hấp dẫn; Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chương trình kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Đặc biệt, từ ngày 16 đến 18/4/2021, Trung tâm Đầu tư, Xúc tiến Thương mại, Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 với sự tham gia của khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành Thủ đô cùng nhiều tỉnh, thành phố khác. Đây sẽ là sự kiện mở đầu cho mùa cao điểm du lịch hè nhằm khôi phục hoạt động du lịch “hậu” Covid-19.

Đồng hành với doanh nghiệp

Tuy nhiên, để Chương trình kích cầu du lịch nội địa có thể kéo dài, cần có sự đồng hành, quan tâm hơn nữa của Nhà nước, các ngành chức năng đối với doanh nghiệp lữ hành - đơn vị khâu nối các loại hình dịch vụ thành sản phẩm hoàn chỉnh đưa tới tay du khách. Trải qua 3 đợt dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã kiệt sức. Sự phục hồi của ngành Du lịch không chỉ thể hiện ở sự sôi động của hoạt động du lịch mà phải bắt đầu từ “gốc” là “sức khỏe” của doanh nghiệp. Một cơ thể (ngành Du lịch) muốn khỏe phải bắt đầu từ các bộ phận, tế bào (doanh nghiệp) khỏe.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc khó tiếp cận với các chính sách, gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ đối với các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế và giãn nộp thuế, phí chưa phù hợp khiến nhiều doanh nghiệp càng thêm lao đao. Đó là chưa kể tình trạng kinh doanh chộp giật, hạ giá vô tội vạ của các đơn vị cung cấp dịch vụ khiến không ít doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) cho rằng: “Một số cá nhân đã lợi dụng chính sách kích cầu để trục lợi, lừa đảo khách hàng. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng cũng như uy tín của các doanh nghiệp nói chung. Hơn nữa, chương trình kích cầu liên tục bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 bùng phát nên chưa tạo được hiệu quả về kinh tế cho các công ty du lịch”.

Để chương trình kích cầu du lịch đạt hiệu quả cao hơn, Giám đốc Công ty du lịch Golden Tour Phạm Tiến Dũng cho rằng, hoạt động này cần phải được thực hiện liên tục để tạo thói quen và sự chủ động lên kế hoạch đi du lịch cho du khách. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải có các chính sách khuyến khích cũng như giám sát việc thực hiện cam kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương, điểm đến nhằm tạo ra các gói kích cầu trong thời gian đủ để sản phẩm đó “sống” được; đồng thời có các chính sách hoàn, hủy dịch vụ linh động nhằm tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp và du khách trong trường hợp dịch bùng phát.

Cam kết đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc chia sẻ: “Tổng cục Du lịch cam kết luôn đồng hành với các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp trong việc định hướng thị trường, sản phẩm, phối hợp kết nối phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cũng như đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị các bước cần thiết để du lịch Việt Nam sẵn sàng chào đón khách quốc tế trở lại khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất”.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT