Non nước Việt Nam

Độc đáo những sắc màu dân tộc

Cập nhật: 22/04/2021 14:02:05
Số lần đọc: 779
“Việt Nam với những sắc màu dân tộc” là chủ đề hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra từ ngày 1/4 đến 3/5/2021.


Các tiết mục trình diễn của đoàn Gia Lai thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Chương trình có những hoạt động chủ yếu như: biểu diễn dân ca dân vũ “Rực rỡ sắc màu Tây Nguyên”; tái hiện lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao và lễ mở kho xin giống của dân tộc La Chí (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang); chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang” và chương trình “Sắc màu chợ phiên”; tái hiện tục “Kéo vợ” của đồng bào Mông và tái hiện cuộc sống hàng ngày tại các làng dân tộc, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ…

Tại ngày hội, đoàn Gia Lai tái hiện lễ pơ thi (bỏ mả) của người Jrai do các nghệ nhân phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) thực hiện. Già Ak là người thực hiện nghi lễ cúng. Lễ vật gồm: 1 con heo, 4 con gà, 2 ghè rượu, cơm lam, cây nêu, mô hình nhà mồ, tượng nhà mồ, con rối, khiên, giáo…

Sau khi đã làm thịt heo, chủ lễ lấy gan, lưỡi, tim, da bụng và cổ họng của con vật xâu lại, lấy rượu ở ghè cho vào ống tre mang ra nhà mả làm lễ cúng. Già Ak đổ rượu vào xâu rượu cho thấm xuống đầu ngôi mộ và đọc lời cúng. Sau khi cúng xong, người thân của gia đình vào nhà mồ đọc lời cúng bỏ mả và khóc than lần cuối cùng với người chết. Lúc này, cồng chiêng được tấu lên, tất cả mọi người tham gia màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp đặc sắc để tiễn đưa người chết.

Già Ak chia sẻ: “Chỉ khi nào lễ pơ thi được thực hiện thì người chết mới chính thức về với thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc với người đang sống. Tôi đã nhiều lần chủ trì lễ cúng này. Vậy nên khi cùng đoàn nghệ nhân ra đây tái hiện lại nghi lễ truyền thống của dân tộc, chúng tôi cố gắng để mọi nghi thức diễn ra một cách chân thực nhất, thu hút sự quan tâm tìm hiểu, thưởng lãm của du khách”.

Bên cạnh đó, đoàn nghệ nhân Jrai cũng giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với du khách như: trình diễn dân ca, dân vũ, hát đối đáp giao duyên, trình diễn trang phục Jrai với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm”… Bên khung cửi, chị H’Anhi tỉ mẩn dệt từng sợi vải tạo nên những trang phục thổ cẩm tinh tế, bắt mắt thể hiện sự khéo léo của phụ nữ Jrai. Không chỉ thế, chị còn hướng dẫn du khách kéo sợi, phối màu. 

Cùng với các hoạt động văn hóa, đoàn Gia Lai còn tham gia gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch trong chuỗi hoạt động được tổ chức thường niên. Những thông tin về điểm đến, dịch vụ, các tour du lịch đặc trưng, liên kết điểm đến, giới thiệu sản vật địa phương, một số hình ảnh về vẻ đẹp của vùng đất và con người Gia Lai… cũng được giới thiệu cụ thể đến với du khách về một vùng đất cao nguyên xanh giàu tiềm năng du lịch.

Ông Nguyễn Tấn Ba-Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, trưởng đoàn-chia sẻ: “Mỗi dân tộc có phong tục tập quán cũng như điều kiện và lối sống đặc trưng. Đến với Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách sẽ được chính các “hướng dẫn viên” là người dân tộc bản địa trực tiếp giới thiệu những nét đẹp truyền thống và hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt văn hóa của họ. Chính vì vậy, khi tham gia các trò chơi dân gian cùng nghệ nhân, nhiều du khách vô cùng thích thú, phấn khởi”.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thái-Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc-cho biết: “Trong khuôn khổ các hoạt động sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, đoàn nghệ nhân Gia Lai đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc”.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT