Non nước Việt Nam

Độc đáo lễ hội tạ ơn của đồng bào dân tộc Kháng ở Điện Biên

Cập nhật: 16/01/2021 20:37:28
Số lần đọc: 781
Lễ hội tạ ơn (Pang Phoóng) của đồng bào dân tộc Kháng ở Điện Biên mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng, thể hiện rõ ý niệm và quan điểm sống của cộng đồng dân tộc Kháng luôn có sự ràng buộc giữa hiện tại và quá khứ, với tiên tổ, cội nguồn.

Nguồn gốc lễ hội

Lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ sự tích xa xưa còn lưu truyền về chuyện tình dang dở giữa một chàng trai con của tạo bản người Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khul với một nàng vượn hóa thân thành cô gái.

Pang Phoóng là lễ hội phản ánh một hiện thực trong đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng: Lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn dưỡng tâm, đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng họ vạn sự may mắn.

Tiến trình, nghi thức và quan niệm

Lễ hội Pang Phoóng được tổ chức 3 hoặc 4 năm một lần, thường diễn ra trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, khi hoa mào gà nở đỏ trên nương, lúc này bà con dân bản vừa kết thúc vụ mùa. Do dòng họ đứng ra tổ chức nên các nghi lễ, tiến trình của lễ hội Pang Phoóng được thực hiện tại gia đình trưởng họ với sự tham gia đóng góp của các gia đình trong dòng họ.

Trong tâm thức của cộng đồng dân tộc Kháng, ngày được chọn để tổ chức lễ hội không trùng với ngày mất của bố, mẹ, ông bà và là ngày có ánh trăng sáng. Vì khi làm lễ xong, dân bản sẽ tiến hành chơi hội, hội chơi sẽ vui hơn khi có ánh trăng. Thầy Mo, thường là trưởng dòng họ, người am hiểu về nguồn gốc và lịch sử của dòng họ sẽ chủ trì thực hiện phần nghi lễ. Theo quan niệm của dòng họ Lò Khun, vì tổ tiên của dòng họ là “mẹ Vượn” nên không thể thiếu các loại rau, củ, quả như: khoai lang, đu đủ, bí đỏ, khoai sọ, chuối, hoa chuối, bắp ngô...

Ngay từ sáng sớm của ngày đã được lựa chọn, gia đình chủ lễ đồ xôi, mổ lợn, gà, cá... chuẩn bị chu đáo sắp xếp lên gian thờ tổ tiên. Sau khi kết thúc các nghi lễ ở mâm cúng tổ tiên, thầy cúng sẽ xuống dưới sân nhà cúng thổ địa với ý nghĩa cầu xin thổ địa phù hộ cho gia đình cùng dân bản mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Sau đó, gia chủ làm nghi lễ khai tiệc, mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần, ăn cơm trong sự ấm cúng, vui vẻ. Lúc này là dịp mọi người trong dòng họ tâm sự, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp, sẻ chia kinh nghiệm phát triển kinh tế...

Phần hội vui nhộn, gắn kết cộng đồng

Phần lễ Pang Phoóng nghiêm trang thì phần hội lại rất phóng khoáng, vui vẻ sum vầy, được tổ chức ngay trong nhà của trưởng họ. Để khai hội, các cụ lớn tuổi trong dòng họ sẽ gõ tiếng chiêng và tiếng chum chọe đầu tiên. Sau khi âm thanh của các loại nhạc cụ này vang lên, người trong dòng họ quây quần thành vòng tròn giữa sàn nhà cùng vui điệu múa tăng bu (“Xé Pang”).

Từ già đến trẻ, mỗi người cầm theo một ống tre dài hơn 1 mét cùng di chuyển theo vòng tròn, vừa gõ nhịp xuống sàn nhà, hòa mình trong điệu múa mô phỏng cách điệu hình thức chọc lỗ tra hạt trên nương. Đồng bào thi thố, trình diễn những điệu múa, diễn xướng đối đáp mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc, như: Hát đối, hát giao duyên, múa tầm đao, múa sạp... Cùng đó là tổ chức các trò chơi mang tính gắn kết cộng đồng, như: kéo co, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh cù...

Ngày nay, lễ hội Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng dân tộc Kháng, có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nền tảng, tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc.

Năm 2020, lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của cộng đồng dân tộc Kháng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT