Non nước Việt Nam

Điện Biên: Gìn giữ trang phục truyền thống

Cập nhật: 18/10/2021 05:34:36
Số lần đọc: 716
Những năm gần đây, việc mang mặc trang phục truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên có xu hướng giảm, nhất là ở nam giới và người trẻ tuổi.  


Cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp về xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, nơi có hơn 200 nhân khẩu đồng bào dân tộc Si La sinh sống. Bao nhiêu tò mò, háo hức được khám phá trang phục, bản sắc văn hóa người dân tộc Si La nhưng rồi chúng tôi khá thất vọng khi hầu hết nam thanh, nữ tú không mấy ai mặc trang phục truyền thống. Theo ông Pừ Xà Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải, trang phục người Si La vốn có nhiều nét độc đáo như: Áo của phụ nữ thường được may bằng vải màu đen, cổ áo được trang trí bằng đường viền hai dải vải màu xanh và đỏ. Thắt lưng được làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh, trang trí các viền vải hoa văn màu sắc. Khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La cũng là dấu hiệu nhận biết người phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên hiện nay, còn rất ít người giữ được trang phục truyền thống của người Si La. Hầu hết đồng bào chỉ mặc vào những dịp lễ, Tết.

Phụ nữ Hà Nhì mặc trang phục truyền thống trong ngày Tết của dân tộc. 

Không chỉ với trang phục của đồng bào dân tộc Si La, hiện nay, trang phục của nam giới dân tộc Mông cũng đang bị mai một, biến dạng. Ông Phá Nhìa Ly ở bản Đoàn Kết, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cho hay: “Nếu như trước đây phụ nữ dân tộc Mông thường thêu thùa, may vá trang phục cho người chồng thì hiện nay quần áo của nam giới được bày bán nhiều, may cách điệu, chất liệu vải cũng khác xưa dẫn tới tình trạng trang phục truyền thống dần bị biến dạng”.

Năm 2019, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai kế hoạch, thời gian qua, ngành văn hóa đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Địa phương cũng chú trọng duy trì, phát triển mô hình hợp tác xã, cơ sở sản xuất và xây dựng mới các làng nghề liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Nếu tiếp tục làm tốt những nội dung này thì việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ thu được kết quả tích cực.

Bài và ảnh: Thùy Ngân

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT