Hành trang lữ khách

Di tích và du lịch

Cập nhật: 23/10/2020 10:20:23
Số lần đọc: 915
Dưới chân núi Cao Cát có một ngôi miếu cổ được xây khá bề thế. Cổng vào được chạm trổ huyền bí. Mỗi ngày du khách sau lúc lên núi Cao Cát thắp hương khấn vái Phật ban cho những điều tốt lành, khi xuống núi họ không quên ghé thăm ngôi miếu cổ thờ công chúa Bàn Tranh (Posah ina) - người dân trên đảo thường gọi là miếu bà Chúa. Năm 2015, ngôi miếu này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Tương truyền rằng, vào thế kỷ 16, nàng công chúa Bàn Tranh đem lòng yêu thương chàng trai cùng dân tộc Chăm, nhưng khác tôn giáo có tên là Posanim pan nên bị cả triều đình phản đối. Cuộc tình công chúa Bàn Tranh đã gây sóng gió dữ dội trong hoàng tộc, gây bất bình trong thần dân Chiêm thành lúc bấy giờ. Vì tội bất kính với vua cha nên công chúa bị ghép tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Đoàn thuyền sau nhiều ngày dong buồm lênh đênh trên biển cả xuôi về hướng đông nam rồi áp giải công chúa Bàn Tranh cặp vào một hòn đảo nhỏ có hình thù như con cá thu khổng lồ – đó chính là Cù Lao Thu (đảo Phú Quý ngày nay). Công chúa Bàn Tranh cùng tùy tùng dựng lều dưới chân núi Cao Cát (thuộc thôn Đông Hải, xã Long Hải) phát quang cỏ dại, chặt cây rừng, dọn đất, tìm nguồn nước ngọt, trồng cây lương thực, đánh bắt cá, khám phá vùng đất hoang đảo… và tạo dựng cuộc sống tự lập. Về sau vua kế vị có chỉ dụ cho công chúa Bàn Tranh được phép vào đất liền, nhưng với tình yêu và nỗi đau quá khứ công chúa đã khước từ, chấp nhận cuộc sống bình thường, tươi vui trên Cù Lao Thu xinh đẹp. Khi công chúa qua đời, người dân trên đảo Phú Quý đã lập mộ, bia, chôn cất và xây miếu thờ bà chúa đảo bên ngọn núi Cao Cát 4 mùa lộng gió. Ghi nhận những công lao to lớn của công chúa Bàn Tranh, các vua từ thời triều Nguyễn, Minh Mạng cho tới vua Khải Định đã ban tặng cho bà 8 sắc phong, giao cho ngư dân đảo Phú Quý thay nhau hương khói, phụng thờ. Qua bao thăng trầm của lịch sử, miếu thờ bà Chúa vẫn tồn tại trên đảo Phú Quý như một khẳng định vị thế chủ quyền của cư dân các dân tộc Việt Nam đầu tiên, đã khai khẩn vùng đất xinh đẹp, lung linh giữa biển Đông. Ngày nay, cứ đến mùng 3 tháng giêng âm lịch, người dân trên đảo Phú Quý lại tổ chức long trọng lễ hội rước sắc bà Chúa từ nơi lưu giữ về miếu thờ và thực hiện các lễ nghi cúng bái trang nghiêm. Đây là dịp du khách và người dân địa phương nhớ lại và biết ơn công lao xây dựng đảo ngọc của công chúa Bàn Tranh.

Miếu bà Chúa là một di tích lịch sử - văn hóa mang tầm quốc gia, những năm qua Phú Quý đã gìn giữ, khai thác và kết hợp phát triển du lịch. Trên thực tế, sự kết hợp giữa du lịch và di tích đang từng bước đem lại hiệu quả tích cực. Bởi lẽ, phần lớn các di tích đều có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. Việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch không những đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích vốn có./.

Nguồn: Báo Bình Thuận
Từ khóa: Di tích, du lịch

Cùng chuyên mục