Hành trang lữ khách

Cồn Chim & tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 01/08/2020 14:41:22
Số lần đọc: 1069
Nằm giữa đầm Thị Nại, xóm Cồn Chim thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là một ốc đảo độc đáo nằm giữa đầm và rừng ngập mặn; hội tụ nhiều lợi thế, tiềm năng có thể khai thác vào du lịch.

Với hệ sinh thái dưới và cả trên mặt nước đang được phục hồi, phát triển ngày càng nhanh bao gồm các dải rừng ngập mặn nguyên sinh và tái sinh như đước, bần, sú vẹt... bên trên tán rừng ngập mặn là quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa, Cồn Chim có đầy đủ các điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu. Tại đây có thể tổ chức nhiều hoạt động dã ngoại như: Đi thuyền ngắm cảnh sông nước, khám phá thiên nhiên; lên chòi cao ngắm quần thể chim, cò; câu cá giải trí; tổ chức cắm trại hay nghỉ ngơi, thư giãn ở các chòi sinh thái... Khu vực Cồn Chim còn nhiều hộ dân làm nghề truyền thống: Lưới, nuôi trồng, đánh bắt hải sản... Đây chính là điều kiện rất tốt để kết nối những hoạt động dã ngoại vừa kể với những trải nghiệm cùng sinh hoạt, lao động với người dân địa phương thành một tour với nhiều nội dung thú vị.

Huyện Tuy Phước đang quy hoạch xây dựng phát triển đưa Cồn Chim thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ nguyên sơ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng đường vành đai đến Cồn Chim; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư; tạo điều kiện để các nơi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đến Cồn Chim. Năm 2020, tiếp tục thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành lập Đề án phát triển Khu du lịch sinh thái Cồn Chim làm cơ sở mời gọi các DN đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại đây. Cùng với đó, phối hợp với Sở Du lịch xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, ẩm thực và trải nghiệm các làng nghề truyền thống của huyện.

Có nhiều cơ hội như vậy, nhưng để đưa Cồn Chim trở thành Khu du lịch sinh thái theo đúng nghĩa cũng còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN, tạo cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút DN đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn của huyện cần phải tổ chức nghiên cứu, tập trung khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đầm, thông qua việc tìm hiểu những phong tục, tập quán; cũng như tìm hiểu phương thức mưu sinh và sinh kế của người dân tại đây để có cơ sở khoa học sắp xếp, chỉnh trang khu dân cư làng chài với đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội, dịch vụ phục vụ sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp của người dân mà vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa cộng đồng trong phát triển kinh tế cộng đồng, giúp người dân tại đây có chất lượng sống tốt hơn; có như vậy mới phát huy đến tối đa tiềm năng của Cồn Chim./.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục