Hoạt động của ngành

Các địa phương đang mở dần hoạt động du lịch nội địa trở lại

Cập nhật: 28/04/2020 07:39:54
Số lần đọc: 721
(TITC) – Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế; đồng thời giao cho các địa phương chủ động cho phép một số cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động trở lại trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 ở Cao Bằng

Vì vậy sau một thời gian đóng cửa để phòng chống dịch, thì gần đây các hãng lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn… ở các địa phương đã dần hoạt động trở lại.

Ngày 25/4, UBND tỉnh Kiên Giang và Sở Du lịch cho phép các đơn vị lữ hành, khu du lịch, điểm du lịch chỉ được đón khách du lịch nội địa, khách là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; Cơ sở lưu trú du lịch cho phép được thuê phòng nhưng hạn chế cho thuê phòng tập thể, mỗi phòng nghỉ chỉ cho tối đa 02 người lớn; Các nhà hàng bố trí bàn ăn đảm bảo giãn cách phù hợp; Các khu vui chơi giải trí, khu/điểm tham quan du lịch không tổ chức các sự kiện tập trung đông người (20 người trở lên), thực hiện các biện pháp khử trùng sau mỗi ngày hoạt động.

Các phương tiện vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo số lượng hành khách theo hướng dẫn của ngành Giao thông vận tải. Cụ thể, tàu chở khách từ đất liền đi các đảo của Kiên Giang được phép hoạt động với tần suất 2 lượt/ngày (đáp ứng khoảng 600 người được đi từ đất liền ra đảo và ngược lại). Hoạt động vận tải hành khách đường bộ cũng được phép hoạt động trở lại nhưng không quá 50% số ghế và phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh các dịch vụ karaoke, xông hơi massage, Spa, quầy bar, vũ trường, phòng tập gym đến 30/4.

Ngày 24/4, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu duy trì trạng thái tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, các điểm hát với nhau, trung tâm tiệc cưới; massage, cơ sở vật lý trị liệu; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game online, game offline); cơ sở tôn giáo, thờ tự; bãi tắm biển. Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ khác (không được nêu ở trên) được phép hoạt động và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng và chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngày 23/4, UBND tỉnh Cao Bằng cho mở cửa đón khách du lịch tại tất cả các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ còn lại và các hoạt động khác hoạt động bình thường. Đối với các cửa hàng ăn uống được hoạt động cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giữ khoảng cách hợp lý khi phục vụ khách tại chỗ.

Tiếp tục dừng hoạt động chợ phiên tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm đến hết ngày 26/4/2020; các chợ phiên tại các địa phương còn lại hoạt động trên cơ sở bảo đảm công tác phòng, chống dịch

Hoạt động vận chuyển hành khách nội tỉnh giảm 50% tần suất và số lượng hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng.

Ngày 23/4, UBND tỉnh Bình Thuận cho phép các cơ sở lưu trú  hoạt động, nhưng không được sắp xếp quá 2 người một phòng và phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng, chống Covid-19. Xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch... chở tối đa không quá 50% sức chứa và không vượt quá 20 người/xe 45 chỗ.

Trong khi đó, với tuyến đường thủy Phan Thiết – Phú Quý sẽ hoạt động mỗi ngày một chuyến khứ hồi; mỗi chuyến không vượt quá 50% số khách theo tải trọng; không vận chuyển khách đến từ những địa phương có nguy cơ và nguy cơ cao.

Hoạt động tắm biển trên địa bàn đã được phép trở lại nhưng tỉnh tiếp tục tạm dừng cho phép tham quan các khu du lịch, điểm du lịch; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh... cho đến khi có chỉ đạo mới.

UBND tỉnh Quảng Nam đã chấp thuận cho phép các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà khách, homestay được đón khách từ các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp theo công bố của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19; được phép tổ chức các tour du lịch ngoài trời nhưng số lượng không quá 10 người/tour.

Tại Gia Lai, UBND tỉnh cho phép các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương được phép mở cửa đón khách trong nước. Trong khi đó, tỉnh vẫn tạm dừng các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, cơ sở làm đẹp, các giải đấu thể thao đông người.

Các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Khuyến khích chủ các cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện bán mang đi, bán trực tuyến.

Tại Lâm Đồng, ngày 23/4 UBND tỉnh cho phép cũng mở cửa các hoạt động lưu trú du lịch nhưng phải đảm bảo các qui định phòng dịch, khai báo y tế. Các khu điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được đón khách. Chợ đêm Đà Lạt hoạt động lại và phải đảm bảo các qui định phòng dịch.

Ngày 23/4, UBND tỉnh Cà Mau đồng ý cho các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh từ 29/4. Trước đó, ngày 16/4, các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại nhưng chỉ phục vụ cho khách nội tỉnh.

Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn "tiếp tục cách ly các hoạt động trong xã hội" để phòng chống Covid-19. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa; các làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh. Dịch vụ tắm nước ngọt, giữ xe và bán hàng rong tại bãi biển vẫn đóng cửa cho đến khi có chỉ đạo mới.

Thế Phi (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục