Non nước Việt Nam

Bảo tồn những phong tục đẹp của đồng bào Bru - Vân Kiều

Cập nhật: 11/01/2021 14:22:45
Số lần đọc: 718
Cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Bru - Vân Kiều có nhiều phong tục đẹp như: lễ mừng cơm mới, lễ đám chay, tục cưới hỏi…


Bạc trắng là lễ vật quan trọng trong lễ cưới của của người Bru - Vân Kiều. (Trong ảnh: Vợ chồng Ay Khôi (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tự hào giới thiệu bạc trắng còn cất giữ đến hôm nay). Ảnh: Nguyên Hoa

Đến lập nghiệp ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông từ năm 1994, ông Hồ Đăng Khoa, 62 tuổi (thôn 2) chia sẻ: Người Vân Kiều có câu: “Con trai lớn đủ tuổi phải lấy vợ, con gái đủ tuổi khôn gả chồng” nên sau một thời gian tìm hiểu, đôi trai gái yêu nhau và muốn kết hôn thì phải cùng báo với hai gia đình để chuẩn bị lễ cưới.

Lễ cưới được tổ chức ba lần, đám cưới lần thứ nhất (đồng bào gọi là choq voan) giống như lễ hỏi của người Kinh. Đám cưới lần hai (Ra cuâiq) được coi là đám cưới chính thức, ngoài những sính lễ bằng vật chất, những lễ vật trong đám cưới chính thức không thể thiếu đó là thanh kiếm (gọi là dao), chiếc nồi đồng (adeh sapoan), vòng cườm (Cớng hỗt) và đồng bạc nén (trauq nễn).

Theo quan niệm của người Vân Kiều, thanh kiếm không chỉ thể hiện sức mạnh của người con trai, mà chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai bộ phận không thể tách rời nhau, cho nên ý nghĩa của việc chú rể trao thanh kiếm cho cô dâu là mong muốn vợ chồng luôn khăng khít, ăn ở với nhau cho đến trọn đời; còn chiếc nồi đồng và đồng bạc nén tượng trưng cho sự no đủ, là biểu tượng may mắn, an lành sẽ tới với vợ chồng sau này...

Còn đám cưới lần ba thường được tổ chức vào thời gian vợ chồng có điều kiện kinh tế, không bị ràng buộc thời gian. Thế nhưng hiện nay những lễ vật ấy không còn đầy đủ, đồng bạc nén được thay thế bằng tiền giấy, số tiền nhiều hay ít theo yêu cầu của nhà gái, hoặc theo điều kiện kinh tế của nhà trai, còn chiếc nồi đồng được thay thế bằng loại nồi chất liệu khác và thanh kiếm được thay bằng con dao, vì các gia đình có con trai không làm kiếm cho con mình và việc mua nồi đồng khó khăn hơn…

Ông Hồ Kiều Hoàng, năm nay 69 tuổi (thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cho biết: Phong tục đám chay (gọi là Ra Pữp) tức là lễ rước linh hồn người đã khuất về sum họp cùng ông bà, tổ tiên, con cháu; là một trong những phong tục được hình thành lâu đời nhất.

Đồng bào Bru –Vân Kiều cho rằng mỗi con người sinh ra đều có phần hồn và phần xác, khi một người chết đi thì chỉ mất đi phần xác còn phần hồn mãi mãi trong ký ức của người sống, sau khi người thân trong gia đình chết đi từ hai đến ba năm, gia đình sẽ làm đám chay. Đám chay (Ra Pữp) ngoài ý nghĩa rước linh hồn người đã khuất sum họp với tổ tiên, ông bà, thông qua đám chay tính cố kết cộng đồng được nhân lên gấp bội. Bởi lẽ khi tổ chức đám chay không phân biệt già trẻ, gái trai, người trong làng hay các vùng khác đến, đều được chủ nhà xem như khách quý và đón tiếp nồng hậu, mọi người quây quầy bên nhau, đánh chiêng, múa hát, uống rượu cần, ôn lại những kỷ niệm gắn với người đã khuất, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế…

Lễ cúng cơm mới (gọi là cha sreh) của đồng bào Bru - Vân Kiều cũng khá độc đáo, mang tính cộng đồng cao. Vào khoảng giữa tháng 12 âm lịch, nhóm hoặc từng dòng họ tổ chức lễ cúng cơm mới, các dòng họ đóng góp theo quy định để mua sắm lễ vật cúng tế thần linh (trường hợp nơi cư trú có miếu làng thì sẽ mổ trâu hiến sinh). Sau khi cúng xong mọi người quây quần ăn uống vui lễ với nhiều hoạt động văn hóa như đánh chiêng, thổi sáo, hát o oát, sa nớt, hát chà chấp… Lễ hội mừng lúa mới được coi là Tết của người Bru - Vân Kiều.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống còn khó khăn nên đã diễn ra nhiều cuộc di cư tự do của đồng bào Vân Kiều đến xã Hòa Phong (huyện Krông Bông), xã Ea Ô (huyện Ea Kar), xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) và huyện Ea H'leo… lập nghiệp với quy mô nhỏ vài chục hộ, phần lớn đó là những gia đình trẻ ít được tiếp cận với các hoạt động văn hóa truyền thống; số người cao tuổi lại không nhiều, nơi họ đến sinh sống thường ở vùng kinh tế còn khó khăn, nên nhiều phong tục đẹp của đồng bào Bru - Vân Kiều đang có nguy cơ mai một.

Thiết nghĩ, trên đây là những loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào Bru – Vân Kiều cần được bảo tồn. Các ngành chức năng cần có kế hoạch phối hợp giáo dục cho lớp người trẻ; tổ chức giao lưu giữa các thôn Vân Kiều trong cùng địa phương và hỗ trợ kinh phí phục dựng một số lễ hội mang tính cộng đồng để họ trân trọng, có ý thức giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT