Hoạt động của ngành

Gia Lai: Tổ chức lớp dạy truyền nghề chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian

Cập nhật: 13/09/2010 10:18:29
Số lần đọc: 2224
Chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian là những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Ba Na và Jrai nói riêng.

Với mong muốn để thế hệ trẻ dân tộc Ba Na, Jrai ngày nay có cơ hội được học, được biết rõ hơn về cách chỉnh sửa nhạc cụ và kỹ thuật tạc tượng truyền thống của dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy giá trị của những di sản văn hóa đặc sắc này, lần đầu tiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã tổ chức lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian Ba Na, Jrai với sự tham dự của hơn 30 học viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Vân - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: Trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, người biết chỉnh chiêng là một vốn quý, cần được trân trọng và phát triển rộng khắp. Trên địa bàn Gia Lai hiện nay, số lượng nghệ nhân có khả năng chỉnh chiêng chỉ khoảng vài chục người. Số nghệ nhân tạc tượng cũng ngày càng hiếm hoi, đặc biệt là những nghệ nhân thật sự giỏi và có khả năng truyền nghề không còn nhiều, thực tế chỉ có khoảng 3 - 4 nghệ nhân cho mỗi loại hình. Bởi vậy, có thể khẳng định, 34 học viên của lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian Ba Na, Jrai này chính là những “hạt giống đỏ”, khi trở về địa phương sẽ góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc như mạch nguồn chảy mãi.

Nguồn: website VTR

Cùng chuyên mục