Tin tức - Sự kiện

Festival Huế 2008: Hội tụ nghệ thuật quốc tế đẳng cấp cao

Cập nhật: 10/06/2008 10:06:53
Số lần đọc: 6086
Sôi động, hấp dẫn, trầm lắng và sâu sắc, 35 đoàn nghệ thuật quốc tế tại Festival Huế 2008 đã làm nên bức tranh đa màu sắc về văn hóa. Đó là điểm nhấn, cũng là sự thành công về mặt nghệ thuật của một lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế.

Hơn 10 ngày biểu diễn phục vụ Festival Huế 2008, 35 đoàn nghệ thuật quốc tế đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả Việt Nam. “Chưa bao giờ Festival Huế lại quy tụ được nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế có chất lượng đẳng cấp cao, nổi tiếng trên thế giới và mang đậm bản sắc văn hóa của từng quốc gia, vùng miền như ở Festival Huế 2008” - ông Lê Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, nói.

 

Đa sắc màu văn hóa

 

Có thể nói Festival Huế 2008 là một cuộc gặp gỡ nghệ thuật đa sắc màu về văn hóa của các dân tộc thuộc nhiều châu lục.

 

Trên nền âm nhạc Nga, giữa sân khấu đầy lãng mạn ngay tại hồ Ngọc Dịch (Đại Nội), các nghệ sĩ nhí của đoàn nghệ thuật Kalinka đã liên tiếp nhận được những tràng vỗ tay và lời khen ngợi không ngớt của khán giả. Bằng những điệu múa uyển chuyển, sự biểu cảm của gương mặt, ánh mắt, họ đã đưa người xem trở về cuộc sống thanh bình xa xưa của các cô gái nông thôn Nga. Sau những giờ phút lao động nhọc nhằn, khi hoàng hôn buông xuống, bên những rặng bạch dương, các cô gái Nga đã tụ tập tại bìa làng để cùng chuyện trò và múa hát. Cũng chính những cô bé diễn viên ấy, trong trang phục khác, họ trở thành những chàng trai dũng mãnh cưỡi ngựa lướt trên những cánh đồng cỏ bát ngát với tình khúc Cachuisa. Với những điệu múa, điệu nhảy có tiết tấu linh hoạt, hằng đêm đoàn nghệ thuật Kalinka gồm 8 cô bé từ 10-14 tuổi đến từ thủ đô Moscow (Liên bang Nga) đã chinh phục hàng trăm lượt khán giả tại Festival Huế.

 

Các nữ diễn viên tài năng của đoàn Ca múa nhạc Quốc gia Nam Đô (Hàn Quốc) trong trang phục truyền thống lộng lẫy, cùng dàn nhạc cụ dân tộc đã chuyển tải nét văn hóa của dân tộc mình đến với khán giả tại Festival Huế. Người nghe cảm nhận được khi tiếng trống vui nhộn vang lên là hình ảnh người nông dân chăm chỉ lao động bên những vườn cây, thửa ruộng, vui mừng khi được mùa. Hay khi tiếng nhạc mang sắc thái buồn, réo rắt làm se lòng người là chuyện về một đôi tình nhân phải vượt qua bao khó khăn gian khổ mới được sống bên nhau...

 

Một câu chuyện kể bằng âm nhạc về sự biết ơn của người nông dân Thụy Sĩ đối với những con bò được ban nhạc đến từ Thụy Sĩ thể hiện cũng đã làm say đắm người nghe. Khi mùa xuân về, cây cỏ tươi tốt, người nông dân đưa những chú bò đến sống ở triền núi để chăm sóc. Đàn bò sinh sôi, nảy nở, dần lớn lên rồi nuôi sống lại con người bằng dòng sữa của mình. Hình ảnh đẹp ấy được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào, ấm áp của ca sĩ Việt kiều Camilla Huyên, cùng dàn tam tấu: Walther (guitar), Noriko Kawamura (vĩ cầm) và Fumilo Shirato (đại hồ cầm). Họ là những nhạc công, nhạc sĩ nổi tiếng đến từ Thụy Sĩ, với bài Đàn bò xuống núi, dân ca tiếng Patois của vùng Gruyèrecó, có từ năm 1713. Bài hát tiêu biểu nhất của vùng đất nơi những người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp định cư.

 

Đoàn nghệ thuật Fernando Hurtado Tây Ban Nha mang đến Festival Huế 2008 vở múa đương đại Quisieraborrarte de un s uspiro, được xem là tâm điểm của sự tranh luận giữa các trường phái nghệ thuật đương đại. Đây là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ra đời từ năm 2000, đã từng lưu diễn khắp Tây Ban Nha và nhiều nước trên thế giới và nhận được nhiều giải thưởng cao quý của quốc gia và quốc tế.

 

Quy tụ những tên tuổi lớn

 

Ngoài đoàn nghệ thuật Kalinka, nhóm múa Flamingo cũng là đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Nga đến biểu diễn tại festival này. Bà Filitova Irinna, Trưởng đoàn nghệ thuật Kalinka, cho biết: Đoàn được thành lập năm 1970, gồm những nghệ sĩ không chuyên, đã từng biểu diễn tại các chương trình lễ hội của 42 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Đến đâu đoàn cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ra đời năm 1990, Flamingo là nhóm múa đầu tiên ở vùng Viễn đông Nga có vai trò thúc đẩy sự phát triển không chỉ múa cổ điển và dân gian, mà còn có những vũ điệu đương đại. Nhóm Flamingo đã lưu diễn khắp nước Nga và cả ở Nhật, Trung Quốc.

 

Khán giả tại Festival Huế lần này đã hoàn toàn bị chinh phục bởi những tiết mục biểu diễn đặc sắc và ấn tượng của nữ ca sĩ nhạc jazz và blues tài năng của Mỹ: Co Co York, qua giọng ca và phong cách biểu diễn đầy sáng tạo của chị. Cô ca sĩ kiêm giảng viên âm nhạc này đã từng nhận được vinh dự lớn khi được mời biểu diễn tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1997), tham gia chương trình lễ kỷ niệm 50 năm “kế hoạch phục hưng châu Âu” và đã từng biểu diễn phục vụ Nữ hoàng Beatriz của Hà Lan. Chị đã trở nên thân thiện với khán giả của các nước châu Phi, châu Á, châu Úc sau mỗi lần đến biểu diễn. Ngoài Co Co York đến từ Mỹ, còn có ban nhạc Kimotion gồm 22 thành viên. Âm nhạc của Kimotion kết hợp giữa rock với jazz. Ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Davide Mancini là tên tuổi nổi bật của làng nhạc trẻ Ý. Những bài hát bằng cả hai thứ tiếng Ý - Pháp của anh đã từng làm mê đắm giới trẻ châu Âu trong những năm gần đây. Berrak Yedek là nghệ sĩ và biên đạo múa chuyên trình diễn các vũ điệu dân gian, cổ điển, truyền thống và đương đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Jean Francois Maljean là nhạc sĩ piano solo nổi tiếng của Bỉ, đã có hàng chục album phát hành tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Jean Francois từng lưu diễn nhiều nơi từ châu Âu đến Trung Quốc, Nhật Bản và trên khắp nước Mỹ.

 

Sôi động, hấp dẫn, trầm lắng và sâu sắc, 35 đoàn nghệ thuật quốc tế tại Festival Huế 2008 đã làm nên bức tranh đa màu sắc về văn hóa. Đó là điểm nhấn, cũng là sự thành công về mặt nghệ thuật của một lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế.

Nguồn: Báo NLĐ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT