Hoạt động của ngành

Du lịch TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai: Liên kết để phát triển

Cập nhật: 07/06/2010 15:06:56
Số lần đọc: 2425
Cùng nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam và là láng giềng của nhau, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai không chỉ có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, 2 địa phương còn có lợi thế trong hợp tác phát triển du lịch.

Hợp tác khai thác dịch vụ du lịch ngắn ngày là một trong những mục tiêu hàng đầu mà ngành du lịch 2 địa phương đang triển khai. Sự hợp tác này sẽ là cơ hội tốt để ngành du lịch Đồng Nai đón đầu một lượng khách rất lớn từ TP.Hồ Chí Minh - nơi trung chuyển của phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam và cũng là TP đông dân nhất nước.


Thế mạnh phát triển du lịch sinh thái


Đi đâu chơi vào ngày nghỉ cuối tuần này? Chắc chắn đã có rất nhiều người sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh đặt câu hỏi này để mong bạn bè, người thân tư vấn, giới thiệu cho một điểm đến nào đó để có thể nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng, vất vả. Đối với người dân TP, những cái tên Suối Tiên, Đầm Sen, Củ Chi, Cần Giờ dường như đã quá quen thuộc! Và TP.Hồ Chí Minh cũng không có nhiều điểm du lịch khác để có thể thu hút lượng khách đến vui chơi, nghỉ cuối tuần từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.


Thực tế cho thấy, đời sống ngày một nâng cao, nhu cầu đi du lịch không chỉ có ở những kỳ nghỉ dài cố định trong năm mà nhu cầu đi du lịch trong ngày, vào ngày cuối tuần đang là tiềm năng rất lớn để các địa phương khai thác. Việc có thêm điểm du lịch mới, đa dạng đang được TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đẩy mạnh đầu tư, khai thác.


Đồng Nai có tiềm năng về du lịch sinh thái. Toàn tỉnh có trên 60 điểm thì các điểm du lịch sinh thái chiếm hơn nửa. Không chỉ chiếm ưu thế về mặt số lượng, các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai cũng đa dạng, phong phú về mặt tự nhiên và sinh học như: du lịch sông Đồng Nai, KDL Cù Lao Phố, cù lao Ba Xê, thác Mai, thác Giang Điền, Vườn Quốc gia Cát Tiên, núi Chứa chan, hồ Núi Le… Tuy nhiên, phần lớn điểm đến chưa được đầu tư quy mô về cơ sở hạ tầng và dịch vụ.


Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai đánh giá, ngành du lịch Đồng Nai xác định: Du lịch sinh thái của Đồng Nai có thế mạnh riêng, vừa có nét giống với vùng sông nước miền Tây lại vừa có nét đặc trưng riêng của miền Đông Nam bộ. Đây sẽ là một thế mạnh trong cạnh tranh của du lịch Đồng Nai.


Bên cạnh thế mạnh du lịch sinh thái, Đồng Nai cũng có thế mạnh về du lịch văn hóa, lịch sử với nhiều điểm du lịch tiêu biểu như Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Rừng Sác, chiến khu Đ, mộ cổ Hàng Gòn… nằm xen kẽ giữa các điểm du lịch sinh thái, sẽ tạo sự đa dạng cho hành trình tour.


Trong sự hợp tác, phát triển du lịch giữa 2 địa phương, vào cuối năm 2009, Tập đoàn Suối Tiên (TP.HCM) đã đầu tư, khởi công xây dựng TP du lịch sinh thái Sơn Tiên trên diện tích 375 ha, tại Long Thành (Đồng Nai) với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang mời gọi đầu tư 14 dự án du lịch tại địa phương, với nhiều hình thức và chính sách đầu tư hấp dẫn, thuận lợi.


Khai thác tour đường sông


Đề án phát triển du lịch đường sông của ngành du lịch TP.HCM với sự tham gia của 2 địa phương Bình Dương và Đồng Nai đã được ngành du lịch TP.HCM đưa ra từ năm 2006. Sau gần 5 năm triển khai, ngành du lịch TP và cả Tổng cục Du lịch đã tổ chức nhiều hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch đường sông tại TP.HCM và các tỉnh lân cận nhưng đến nay sản phẩm du lịch đường sông vẫn chưa đưa vào khai thác.


Với việc xác định thế mạnh của du lịch TP.HCM là “nơi trung chuyển khách”, các sản phẩm du lịch, điểm đến tại trung tâm TP.HCM đã quá cũ với du khách. Muốn giữ chân du khách, việc phải tạo ra một sản phẩm du lịch mới có tính hấp dẫn để phục vụ cho du khách là điều mong đợi nhiều năm nay và nó như một sức ép lớn cho ngành du lịch TP.


Xuất thân từ nghề hướng dẫn viên du lịch khách quốc tế, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương chia sẻ, du lịch sinh thái đường sông là một lợi thế của Việt Nam, rất được du khách châu Âu ưa chuộng. TPHCM sẽ phát triển tốt loại hình du lịch này. Ông Lâm đã đi tiên phong, đầu tư 3 thuyền buồm khai thác tuyến du lịch trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, do hạn chế về hạ tầng, thiếu cầu cảng cập bến, độ cao của các cây cầu thấp, thuyền không qua được nên hoạt động khai thác còn cầm chừng. Nhưng ông vẫn tin tưởng vào sự phát triển của tuyến du lịch đường sông này. 


Sở hữu sông Sài Gòn, một trong những con sông lớn, có vị thế đẹp, cùng với rừng ngập mặn Cần Giờ, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, du lịch đường sông tại TP.HCM không thể gọi là “tiềm năng”, nó phải thành hiện thực! Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết, các điểm đến của tour đường sông hiện vẫn chưa tạo ra sự liên kết, các đơn vị đang góp ý để hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị thông tin tài liệu về điểm đến, làm cho điểm đến hấp dẫn hơn. Toàn bộ sản phẩm này do một nhóm xúc tiến gồm 7 chuyên gia về làm sản phẩm du lịch phụ trách. Nhóm này sẽ cùng với chuyên gia của sở đi thực tế và cân nhắc lại hành trình tour trước khi đưa vào khai thác. Không phải đợi lâu nữa, ngành du lịch TP sẽ sớm đưa vào khai thác 2 tour ngắn đầu tiên trong năm nay.

Nguồn: SGGP

Cùng chuyên mục