Hoạt động của ngành

Phù Yên chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: 17/03/2010 14:55:32
Số lần đọc: 3116
Hiện Phù Yên (Sơn La) có 25 xã, thị trấn, 122 bản, khối phố có nhà văn hóa, 15.800 gia đình và 231 bản, khối phố, cơ quan, đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đặc biệt, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, phong tục truyền thống của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng được nâng lên.

Nhiều năm qua, để duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện chủ trương phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu “Làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, vào từng con người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trình độ dân trí cao, khoa học kỹ thuật phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”. Bà Bạc Thị Vân, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện khẳng định: Nhờ quan tâm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, huyện đã thu hút được các lực lượng, thành phần kinh tế tham gia, góp phần tạo điều kiện để những nét đẹp văn hóa các dân tộc phát triển mạnh. Đồng thời, các cơ sở cũng chú trọng hơn việc coi trọng bảo tồn, phát huy những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc, từng bước bài trừ những hủ tục lạc hậu, tập trung có hiệu quả phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định rõ văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực và trang phục... các dân tộc thiểu số là vốn quý, nhiều năm qua, huyện đã tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ năm 2000 đến nay, huyện đã ba lần tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, hai lần tổ chức thi trang phục thiếu nữ các dân tộc, ba lần tổ chức Lễ hội “Xíp xí” của dân tộc Thái, ba lần tổ chức Lễ hội “Mợi” của dân tộc Mường, một lần tổ chức Lễ hội “Cấp sắc” của dân tộc Dao và Lễ hội “Cầu mùa” của dân tộc Mông... Cùng với việc nghiên cứu, phục dựng lễ hội các dân tộc, huyện còn tổ chức hai lớp học chữ Thái tại xã Quang Huy cho nhiều lứa tuổi, những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong mỗi dịp cưới, lễ hội, tết cổ truyền vẫn được giữ gìn, các nghề dệt thổ cẩm, đan lát trên các trang phục, hoa văn trên chăn đệm hay các món ăn ẩm thực dân tộc cũng được bảo tồn và phát triển.

Những năm gần đây, huyện đã duy trì hiệu quả hoạt động của 4 đội chiếu bóng tuyên truyền lưu động với 600 buổi chiếu phim/năm, kết hợp tuyên truyền thông tin bằng tiếng dân tộc phục vụ đồng bào các dân tộc vùng cao. Đồng thời, xây dựng hệ thống loa truyền thanh, truyền hình tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nét đẹp văn hóa các dân tộc tới các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, huyện đã thu hút được sự quan tâm của xã hội trong việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Điều này thể hiện rõ khi Phù Yên luôn là điểm sáng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh, tại hầu hết các bản, khối phố đều có đội văn nghệ, thậm chí có bản có từ 2 đến 3 đội văn nghệ. Một điều đặc biệt, các đội văn nghệ đều do người dân tự tổ chức, tự mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ việc luyện tập, biểu diễn. Hiện tại, huyện có 215 đội văn nghệ quần chúng tại các cơ sở, trong đó nhiều đội tại các vùng dân tộc thiểu số. Việc duy trì tốt hoạt động của các đội văn nghệ đã giúp Phù Yên bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa hiệu quả hơn, từng bước nâng cao dân trí, đẩy lùi lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, điều tra cơ bản, đánh giá và thu thập thông tin về các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể trong vùng dân tộc thiểu số để có giải pháp bảo tồn, phát triển phù hợp, tăng cường đầu tư, triển khai các chương trình bảo tồn, tôn tạo, khôi phục các di tích, công trình văn hóa, các chương trình lễ hội VH-TT và bảo tồn chữ viết các dân tộc.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục