Hoạt động của ngành

Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của Bến Tre

Cập nhật: 17/03/2010 08:47:22
Số lần đọc: 3550
Du lịch là một trong những nhu cầu tất yếu của con người, của xã hội. Một khi xã hội phát triển thì nhu cầu này càng phong phú và đa dạng. Nhu cầu du lịch thực chất là  nhu cầu văn hóa, bởi đó là nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những giá trị văn hóa nghệ thuật thông qua các laọi hình cụ thể như di tích lịch sử, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật ẩm thực,… và tìm hiểu những bản sắc văn hoá của một dân tộc, một địa phương, một quốc gia.

Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ động thực vật phong phú, có không khí thoáng mát quanh năm và một môi trường sinh thái trong lành. Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa và làn điệu dân ca được người dân Bến Tre sáng tạo ra trong quá trình khẩn hoang mở đất đã tạo ra, có thể nói tiềm năng phát triển du lịch văn hóa ở Bến Tre là rất lớn. Trước hết, phải xác định du khách là chủ thể du lịch, còn du lịch văn hóa xác định chủ thể du lịch chính là địa phương, tức là tài nguyên du lịch, ý thức và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách của địa phương đó. Như vậy, du lịch văn hóa tỉnh Bến Tre là tổ chức cho du khách tiếp cận với văn hóa Bến Tre giàu bản sắc, hiếu khách và an toàn.

Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều so với các vùng lân cận, có bờ biển dài 65 km, có rừng ngập mặn, lắm sông nhiều rạch, cù lao, cồn bãi, nên bốn mùa khí hậu ôn hòa, mát mẻ, có những vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả cùng với các sản phẩm từ dừa nổi tiếng trong và ngoài nước. Người dân Bến Tre đã tận dụng tất cả các thành phần của cây dừa như thân, cọng, vỏ, gáo dừa,… để làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, được nhiều du khách ưa chuộng. Làng nghề này được tập trung nhiều ở Cồn Phụng (huyện Châu Thành) và Hưng Phong (huyện Giồng Trôm). Không chỉ về mặt tự nhiên phù hợp với du lịch khám phá sông nước, du lịch miệt vườn, chiêm ngưỡng và mua sắm những sản phẩm từ dừa về làm quà cho người thân, bạn bè,… du khách còn được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây, họ luôn được đón tiếp bởi sự nhiệt tình, thân thiện, và hiếu khách của người dân Bến Tre.

Nhắc đến Bến Tre, người ta nghĩ ngay đến cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960. Bến Tre là vùng đất gắn liền với tên tuổi nữ tướng Nguyễn Thị Định và “đội quân tóc dài” huyền thoại, là quê hương của liệt sĩ Trần Văn Ơn, của nhà thơ Lê Anh Xuân,... Bến Tre không chỉ mang danh là “quê hương Đồ Chiểu” mà còn là quê hương của nhiều danh nhân như nhà giáo Võ Trường Toản, tiến sĩ Phan Thanh Giản, nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhà báo Sương Nguyệt Anh,... Mảnh đất này còn đóng góp những nghệ sĩ tài năng cho đất nước, như Nghệ sĩ Nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) – người đã toàn tâm toàn ý dâng trọn cuộc đời cho sân khấu cải lương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Phi Hoành, họa sĩ Lê Văn Đệ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, một gương mặt lớn của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam và tên tuổi của ông đã được đã được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư của châu Âu. Để vinh danh những người con ưu tú, người Bến Tre đời sau đã xây dựng rất nhiều di tích lịch sử có giá trị cấp quốc gia như Khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Khu Di tích lịch sử Đồng Khởi, Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Tượng đài Đồng Khởi, đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam,… Đây thực sự là những điểm đến chứa đựng nhiều ý nghĩa về văn hóa và lịch sử.

Dân ca Bến Tre với rất nhiều điệu lý khác nhau, là một trong những cái nôi của dân ca Nam Bộ. Những làn điệu dân ca ở Bến Tre mang đậm sắc thái vùng sông nước miền Tây, có đủ các làn điệu hát ru, hò, vè, lý, hát sắc bùa, cải lương,... Nơi đây còn có kho tàng văn học dân gian với những chuyện cổ, thơ ca, câu đố; những câu chuyện nổi tiếng từ thời khẩn hoang, thời nhà Nguyễn và những giai thoại về danh xưng “ông già Ba Tri”.

Đình làng và nhà cổ ở Bến Tre cũng là nơi để du khách đến tham quan. Khác với đình Bắc Bộ, đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri) không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là chứng tích tố cáo Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam. Đình Phú Tự (TP.Bến Tre) với cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt. Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) có niên đại trên 100 năm, xây cất theo kiểu hình chữ nhất, trang trí bằng hoa văn chạm trổ khéo léo bởi những bàn tay nghệ nhân điêu luyện. Có đến đây mới thấy hết giá trị nghệ thuật và văn hóa của ông cha ta để lại.

Bên cạnh đó, lễ hội ở Bến Tre có nhiều nét độc đáo, cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham gia. Ở vùng ven biển, có lễ hội Nghinh Ông thu hút hàng ngàn người đến xem hàng năm, đặc biệt vào các ngày 15, 16/6 âm lịch là lễ cúng Ông ở xã Bình Thắng (huyện Bình Đại). Bến Tre có Ngày Hội trái cây ngon an toàn và sản phẩm nông nghiệp vào dịp Mùng 5 tháng 5 âm lịch, Lễ hội Dừa vào tháng 1 hàng năm. Ngoài ra còn các lễ hội tôn giáo như Hội Tôn Cổ Tự ở Quới Sơn (huyện Châu Thành), lễ cúng đình, và lễ hội truyền thống văn hóa được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (ngày 1/7) tại xã An Đức, huyện Ba Tri, Lễ truyền thống cách mạng kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng Khởi ngày 17/1 tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày.

Du lịch văn hóa là quá trình tổ chức và quản lý hoạt động du lịch với mục đích tạo ra những sản phẩm du lịch, những hình thức hoạt động được xác định và tăng cường các sức hấp dẫn du khách bằng các đặc sản văn hóa của địa phương, của các cộng đồng cư dân tại chỗ. Chính những di sản văn hóa - lịch sử, những phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống cùng môi trường văn hóa và cách ứng xử của cộng đồng là một phần quan trọng của sản phẩm du lịch và được nhìn nhận là tài nguyên du lịch có giá trị bên cạnh những tài nguyên du lịch khác. Bến Tre có rất nhiều lợi thế về du lịch văn hóa, và tỉnh Bến Tre đang có những định hướng nhằm đưa ngành công nghiệp không khói này trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. 

Nguồn: website Bến Tre

Cùng chuyên mục