Non nước Việt Nam

Ca Huế trên sông Hương

Cập nhật: 30/05/2008 09:05:39
Số lần đọc: 2838
Buổi tối ở Huế, cái không khí trầm lắng lãng đãng của thành phố bên bờ sông Hương như được tăng thêm một bậc. Sự yên ả của Huế khiến khách du lịch cũng cảm thấy tâm hồn mình bỗng trở nên yên bình.

Dọc hai bên bờ sông Hương, trên bến dưới thuyền tấp nập, vẳng đâu đây tiếng sáo tiếng nhị, tiếng phách cùng điệu hò da diết của dân ca xứ Huế. Người bạn đi cùng khẽ giải thích: Đến Huế, chưa nghe ca Huế là chưa thực sự hiểu về Huế. Theo sự chỉ dẫn của cô hướng dẫn viên, chúng tôi mua vé và xuống thuyền, tham dự một chương trình biểu diễn ca Huế.

 

Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi có thần thái của ca nhạc thính phòng. Ca Huế thể theo hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ. Để tham dự một chương trình ca Huế ngắn trên sông Hương, du khách sẽ được ngồi trên những con thuyền rồng mà các vua chúa xưa hay ngự, trong khoang thuyền, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, đàn tam, xênh… Các nhạc công, ca công đều là những nam thanh, nữ tú còn rất trẻ, nam mặc áo the, quần thụng đầu đội khăn xếp, nữ vận những chiếc áo dài cổ từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát giữa thế kỷ XVIII. Thuyền từ từ rời bến, sự háo hức ban đầu của chúng tôi dần lắng bởi cái không khí man mát, không gian huyền ảo bởi ánh trăng dưới nước, bởi bóng từng nhịp cầu Tràng Tiền in nổi trên sông…  Thuyền đi đến giữa sông chợt dừng lại, không gian bỗng tĩnh lặng đâu đây chỉ còn nghe thấy tiếng phách, tiếng xênh từ những con đường đang rẽ nước lặng lờ trôi. Thuyền tắt máy, buông chèo trôi trôi lờ lững trên sông dưới cầu Tràng Tiền giăng giăng ánh điện màu như sao sa. Sau lời giới thiệu của một nghệ sĩ trẻ, khúc nhã nhạc Cung đình vang lên, đưa người nghe quay về cái không khí trang trọng nhưng vẫn thân thuộc của cả một thời kỳ quá vãng. Rồi tiếng hát thanh tao với các âm điệu dân gian ca Huế được cất lên trầm bổng trong khoang thuyền mờ mờ tối. Thật là tuyệt diệu khi được lắng nghe những điệu nhạc lời ca câu hò về Huế với đủ thể loại mà từ trước đến nay tôi chưa có dịp nghe nhiều và nghe đủ như thế. Những câu thương yêu, ngợi ca non nước đẹp xinh của xứ Thần Kinh thơ mộng được dàn trải thành lời và được cất cao lên cung bậc thánh thót, nao nao dạ lòng khách nghe, đặc biệt có một số bài hát trước đây từ Cung đình như Lưu Thuỷ, Xuân Phong, Long Hổ, Hạ Giang Nam cũng được trình bày. Điều kỳ lạ của ca Huế cũng như của những khúc dân ca Việt Nam, ấy là sự trầm lắng, da diết và thân thuộc đến lạ kỳ của những cung nhạc. Nó đi vào lòng người rồi lắng lại, để lại những ấn tượng khó phai, hồn Huế là đây, Huế cũng là đây.

 

Ca Huế là một môn nghệ thuật độc đáo bởi vì không phải ai ca cũng đúng giọng điệu, mà muốn nghe ca Huế chuẩn, hay thì người biểu diễn phải là người Huế. Ca Huế chỉ dành cho người Huế ca, như quan họ Bắc Ninh chỉ dành cho người Kinh Bắc. Sắc thái của Huế là vậy. Sắc thái của ca nhạc Huế là vậy. Một sắc thái của riêng Huế "không nơi nào có được" trong tính cách hài hoà của Huế.

 

Đêm trên sông Hương, mảnh trăng rằm treo lơ lửng, dát lên sông một ánh sáng bàng bạc, lung linh. Lấp lánh đâu đây những ngọn nến chưa tàn của đèn hoa đăng vừa được du khách thả trên sông. Lãng đãng trăng, lãng đãng sương, đâu đây văng vẳng tiếng gà gáy sáng cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm. Trong khoang thuyền nhạc vẫn réo rắt, lời ca vẫn nồng nàn, cái giọng Huế ngọt ngào, du khách vừa lâng lâng cùng cung nhã nhạc vừa say đắm trong cái ánh mắt của ca công e lệ kín đáo nhưng cũng vô cùng nồng ấm thiết tha… Rồi bất chợt mừng vui, cười hớn hở qua điệu khúc Hò giã gạo, bật cười vì sự láu lỉnh, cũng như sự thông mình tuyệt vời của người thanh niên nơi thôn dã… Nhịp xênh, nhịp phách như nảy hơn, giòn hơn, hai chiếc chén trên tay người ca công như đang múa, tạo ra những âm thanh quen thuốc mà bay bổng lạ kỳ…

 

Không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng tụ chỉ có lòng du khách đang thả hồn cùng tiếng hát mê ly… và chợt nhận ra rằng đằng sau cái giọng ca ngọt ngào ấy là nội tâm phong phú của người con gái Huế, âm thầm kín đáo và cũng rất đỗi tinh tế. Xa xa bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng, sóng vỗ in mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng tiếng đàn réo rắt, du dương.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT