Hoạt động của ngành

Thanh Hoá: Xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 14/01/2010 08:01:26
Số lần đọc: 3266
Trong giai đoạn hiện nay, phong trào xây dựng làng văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân xứ Thanh và phát triển rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Giá trị của làng văn hóa, luôn được coi là yếu tố nội sinh trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính vì thế, việc gắn xây dựng làng văn hóa với phát triển du lịch đang được xem là hướng đi đúng đắn của du lịch xứ Thanh.

Thanh Hoá có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, có nhiều di tích lịch sử quý giá, với bản sắc văn hóa của 7 dân tộc anh em trong tỉnh, được hội tụ ở 4.334 làng văn hóa (chiếm 72% số làng toàn tỉnh). Mỗi làng văn hóa đều chứa đựng tiềm năng du lịch phong phú với văn hóa vật thể, phi vật thể đan xen nhau, tạo nên sự hấp dẫn và khơi gợi sự tìm hiểu về văn hóa dân tộc trong lòng du khách. Điều này được thể hiện rõ ở những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, như có các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực và vốn sống độc đáo đậm chất bản địa. Sức sống của làng văn hóa được tạo ra bởi những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Theo ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thì: Trong tiến trình CNH, HĐH vai trò của làng, xã văn hóa càng được thể hiện rõ hơn, đó là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Làng xã là nơi tập trung đầy đủ và rõ nét nhất mọi điều kiện khách quan và chủ quan trong việc hình thành và lưu giữ các di sản văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với xây dựng làng văn hóa là điều kiện tất yếu, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời gian qua, các làng văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy tốt những tiềm năng, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để mỗi làng văn hóa trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương... Đặc biệt du khách cần nghiên cứu nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường với dàn nhạc cồng chiêng, kiến trúc nhà sàn, cọn nước, những hoa văn trang trí độc đáo trên trang phục người phụ nữ, những đêm hội rượu cần nghiêng ngả, rồi phiêu lưu với những cảnh quan kỳ thú từ hang động thì hãy tới các bản làng văn hóa vùng sâu, vùng xa sinh hoạt với người dân và khám phá cuộc sống của họ, như các làng văn hóa:  Son, Bá, Mười xã Lũng Cao (Bá Thước); làng Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy)...

Mô hình du lịch cộng đồng đã làm nên sức hấp dẫn du khách với loại hình du lịch trong dân, sống cùng dân. Ở đây người dân có thể cung cấp những dịch vụ phòng trọ, nấu ăn, dẫn đường, hướng dẫn những công việc nhà nông, bán hàng lưu niệm mang dấu ấn quê hương, vv... Ví dụ như ở Pù Luông, Cổ Lũng (Bá Thước), đời sống của người dân nơi đây đang khá dần lên nhờ phát triển loại hình du lịch này. Bình quân mỗi gia đình làm dịch vụ lưu trú cũng đón được từ 40 đến 50 du khách/tháng, mỗi khách trả tiền lưu trú cho chủ nhà khoảng 50 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, người dân còn có thêm dịch vụ kinh doanh ăn uống, bán quà lưu niệm, sản phẩm du lịch.

Để tạo ra một động lực thúc đẩy và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại các làng văn hóa trên con đường phát triển du lịch, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hoá cần nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, tận tâm, đủ sức truyền tải thông tin đến với mọi đối tượng khách tham quan. Cần gắn kết việc phát triển du lịch với việc xây dựng môi trường sinh thái, nhân văn trong đời sống cộng đồng ở các bản làng. Khuyến khích từng cá nhân phát huy vai trò là chủ thể của mọi sự sáng tạo các giá trị văn hóa nhằm hình thành nên các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn mang tính đặc thù của địa phương. Bởi du lịch là một hình thức trải nghiệm văn hóa, mà nền tảng là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở trong chính mỗi cộng đồng làng xã văn hóa.

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục