Non nước Việt Nam

Xường - một loại dân ca tiêu biểu của người Mường cần được bảo tồn và phát huy

Cập nhật: 26/05/2008 10:05:54
Số lần đọc: 4443
Dân tộc Mường ở Thanh Hóa có nhiều loại dân ca. Đó là những bài ca nghi lễ như mo, bài ca đám cưới, cầu vía, cầu yên, lời ca trong sắc búa, hát rang, bộ mẹng, hát ru. Mỗi loại dân ca có một chức năng riêng và có cái hay và cái đẹp riêng của nó.

 

Xường rang, bộ mẹng thuộc nhóm dân ca trữ tình thường sử dụng trong hát giao duyên trai gái, bộc lộ những tâm tình nỗi lòng trước cuộc đời và con người. Xường vượt lên trên các loại dân ca trữ tình và các loại dân ca khác, trở thành một loại dân ca tiêu biểu của người Mường. Việc sưu tầm tìm hiểu, nghiên cứu về Xường có người đã làm từ đầu thế kỷ XX, nhưng rộ lên từ những năm 60 của thế kỷ trước.

 

Xường là gì? Có thể hiểu Xường là một loại dân ca trữ tình của dân tộc Mường. Trong quán ngữ của người Mường thường nói Xường rang. Đấy là cách nói theo thói quen mà thôi. Thực ra Xường, rang là hai loại dân ca khác nhau. Trước hết nó khác nhau về làn điệu. Xường là một loại dân ca không thể thiếu được trong đời sống, nhất là trong đời sống thời yêu của người Mường.

 

Dân gian giải thích nguồn gốc ra đời của Xường cũng rất “thơ”. Huyền thoại kể rằng xưa có mụ Dạ Dần (một nữ thần sáng tạo) quảy một gánh Xường đi ngang qua thiên hạ. Chưa ai biết mụ sẽ gieo những câu Xường đó ở đâu. Bỗng một hôm, mụ qua đất mường Ký - Ống (Bá Thước) gánh Xường đứt quai nên Xường rơi vãi khắp mường. Dân mường Ký - Ống bèn hò nhau ra nhặt được. Vì vậy mà xường Ký - Ống rất hay và người ta cho đó là Xường gốc - huyền thoại đẹp nhưng vẫn là huyền thoại, nhưng có một sự thực Xường mường Ống  (Bá Thước) cũng hay thật. Không gian Xường Thanh Hóa còn gọi là Xường mường Trong chủ yếu là các huyện có người Mường dọc sông Mã như Bá Thước, Cẩm Thủy; dọc sông Âm, sông Ngòn (Cầu Chày) của các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh. Ở các huyện Thạch Thành, Như Thanh... Người Mường cũng có Xường nhưng chủ yếu là Xường mường Ngoài. Nó thuộc một hệ thức khác, nó gần với rang và bộ mẹng nhiều hơn.

 

Tất cả các loại dân ca đều tồn tại và phát triển trong một không gian, thời gian và môi trường nhất định. Xường của người Mường khi hát giao duyên chủ yếu là về đêm. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn. Nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong, có bếp lửa hồng và ngọn đèn dầu. Người ta còn gọi đó là áng Xường. Đến với áng Xường còn có nhiều trai gái người đứng tuổi ngồi nghe thưởng thức. Ở đó đôi trai gái lấy lời hay ý đẹp, giọng tốt để trao đổi tình cảm. Có nhiều “bạn đôi Xường” hát với nhau cả đêm còn chưa thấy mặt. Đó là các trường hợp trai, gái mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau. Nhìn chung ở cái ngày xưa ấy, con trai, con gái lớn lên cùng với công việc đồng áng, nương rẫy, cày cấy, chăn tằm, con trai phải lo học thổi sáo, đàn môi, học Xường, con gái lo thêu dệt và học Xường. Không hát Xường được, không dám đi chơi xa và cũng không có bạn bè. Hát Xường trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu và một đam mê tất yếu của người Mường, nhất là ở lớp trẻ.

 

Trong các loại dân ca Mường, hát Xường không dễ, nhất là loại Xường gốc “Xường cân” (trừ loại Xường tự do). Bởi vì loại Xường gốc, Xường cân bản thân nó đã có cấu tứ riêng biệt chặt chẽ. Nó đòi hỏi người hát phải tuân theo các bước, các cung và các bậc nhất định. Trong các bậc của Xường lại có “dắt hoa” (cái Wa), “theo tiếng chim” (pẳt siềng chim) đôi khi trong một bậc lại có “rẽ ngang, dán cách” (T,reẻ Zán) hoặc giam bậc, chài ra (xán xa) nghĩa là một bên muốn nhanh lên bậc trên, nhưng một bên lại muốn giữ lại, ghìm lại, đòi hỏi “đôi bạn Xường” phải gỡ, gỡ ra được mới là tay cao Xường. Tương tự như vậy ở cung đầu, mặc dù bên khách đã có thể bằng lòng cùng nhau hát Xường đêm nay “cho vui áng” hát “cùng nhau cho rạng đêm”. Nhưng khi vào cuộc là “đối tác” (nhất là bên nữ) không phải đã dễ hát ngay. Muốn bên nữ (khách) hát thì bên nam phải có Xường chào, hỏi, mời hát. Mời chưa hát thì nài, nài không được thì dỗ, dỗ không được thì khích:

 

    Em có cồng vui sao em không gióng

    Em không gióng nhiều cũng nên

                                        gióng ít

    Dẫu em tiếc, em kẹt cũng gióng vài dùi

    Thử xem âm thanh còn vui hay đã

                                       mất tiếng!?

 

Như vậy ta thấy ở các cuộc hát Xường nổi lên ở hai điểm, đó là cuộc sinh hoạt văn hóa: thi hát lời hay giọng tốt, đối đáp thông minh và đôi bạn tình tìm đến nhau bởi cảm mến vì tình và phục vì tài.

 

 Như trên đã nói, Xường có thể phân làm hai loại. Đó là Xường tự do và Xường cân, còn gọi là Xường bậc. Xường tự do thường là thể hiện sự cảm xúc tản mạn về nhiều mặt của cuộc đời, thân phận con người. Xường bậc có quy mô lớn, dài hơi hơn, có quy củ, căn cốt hơn. Ở đó có các bước, các cung bậc. Có thể thấy ở loại Xường này có hai cung rõ rệt. Cung đầu có thể gọi đó là cung mở đầu để đi vào Xường bậc. Người Mường gọi đó là cung “lượn áng”. Cung này thường thấy có các bước: Xường chào hỏi, Xường mời, nài, Bước chân ra đi, Ngoái trông, Khen đất khen mường, Khen giàu có, Đánh thức Xường, Sự tích Xường, Trồng bông trồng hoa, Trồng Kè, Mở đường. Như vậy ở cung đầu này cũng đã ít nhất có 11 bước, từ Chào hỏi cho đến Mở đường. Mở đường (Phảt Khà) được biểu tượng như là mở đường cho đường vào đêm hát, đường tình, đường nghĩa. Khi đã phát được đường, bắc được cầu: “Nên lối em đi nên đường anh lại” thì Xường chuyển sang cung thứ hai là “lên bậc”.

 

    Xường đã có căn có cốt

    Như cây mí đơm hoa đẹp đốt

    Như dây vốt xanh cây...

    Tìm đặt câu đẹp lời hay

    Để đêm nay ta lên chơi Xường bậc.

 

Xường có cung có bậc thì đã rõ, nhưng có bao nhiêu bậc? Dân gian bảo rằng có 12? Cũng cần làm quen trong FolKlore con số ít khi là con số số học, phần lớn đều là con số ước lệ. Đừng vội tin rằng con số 3, số 9, số 12, 18 và 36 là con số chính xác. “Mười hai bà mụ”, “mười hai bến nước”, “ba mươi sáu chước”... đó chẳng qua là để nói số nhiều mà thôi. Cho nên nói Xường có 12 bậc cũng theo kiểu cách đó. Nhưng nhiều bậc trong đó thì đã rõ. Tên của các bậc đều là tiếng Mường cổ mang tính tượng hình theo một chiều cao dần phù hợp với cung bậc tình yêu hoặc gợi lên một cái gì cụ thể. Bậc 1 có tên “góp nhặt” (cu nhu cỏp nhỏp), ở đây là sự tìm tòi, gom góp, nhặt nhạnh những ý hay lời đẹp để hát Xường với nhau. Các bậc có tên tiếng Mường mang tính gợi hình: Lêu lao lên lồm, poong soong poót soót, Zờm Zờm, Zằng Zắng... Cách hát, còn có thể gọi là trình diễn ở mỗi bậc đều có gài hoa (cái Wa) theo tiếng chim (pẳt siềng chim) khác nhau. Đôi trai gái hát với nhau đều phải theo “căn cốt” của Xường có đối có đáp nhưng lại phải có vận dụng, sáng tạo “theo nó mà vượt lên nó”. Đó mới là người giỏi Xường. Cung bậc, căn cốt không làm hạn chế sự sáng tạo của người hát Xường.

 

Kết thúc cuộc Xường có thể là một đêm có thể là ba đêm. Buổi kết thúc có khi họ đã mê nhau thì họ hát Xường thề, nhưng phổ biến là Xường tiễn biệt với lời thương nhớ quyến luyến, nhắn gửi:

 

Xường của người Mường, nhất là Xường bậc có vị trí lớn trong văn hóa dân gian Mường. Nó làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, làm cho tâm hồn Mường trở nên phong phú và nâng cao giá trị nhân văn trong văn học dân gian Mường. Nó có giá trị đóng góp vào nền văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam.

 

Để bảo tồn, phát huy giá trị của Xường ít nhất cần làm 3 việc: Làm cho cán bộ, nhân dân vùng Mường nắm được chủ trương, chính sách bảo tồn, phát huy đối với văn hóa phi vật thể các dân tộc trong đó có Xường. Làm cho người Mường nhất là lớp trẻ biết giá trị của Xường, yêu Xường, hát Xường. Tạo ra môi trường sống cho Xường tồn tại. Thí dụ tổ chức các câu lạc bộ học Xường và hát Xường ở làng, thôn. Hàng năm tổ chức liên hoan Xường ở cơ sở, huyện. Tổ chức thi hát Xường có giải. Đây là cách bảo tồn, phát huy một cách tích cực. Đồng thời với hai việc trên, cần xúc tiến nhanh bằng các dự án, đề tài về sưu tầm nghiên cứu quay phim, chụp ảnh, thu âm lại ở những nơi, những người còn có sinh hoạt về Xường, biết hát Xường. Khi sưu tầm phải quan tâm tính hệ thống tiến hành dịch và xuất bản để để lại cho đời sau. Làm việc này thuộc các cơ quan chức năng và kết hợp động viên các nhà khoa học và đông đảo bà con người Mường. Làm được những việc trên, nhất định ít nhiều sẽ bảo tồn và phát huy được giá trị của một loại hình dân ca giàu chất thơ và tình người.

Nguồn: website báo Thanh hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT