Hoạt động của ngành

Văn hoá - Sức hút của du lịch Hòa Bình

Cập nhật: 31/12/2009 13:12:54
Số lần đọc: 2118
“Tuy chưa tạo ra sức hút nổi bật, nhưng tôi tin rằng dấu ấn đặc biệt của nền văn hóa Hoà Bình sẽ là giá trị cốt lõi để chúng ta khai thác và phát triển du lịch một cách bền vững”. Đó là khẳng định của bà Hoàng Thị Chiển, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi chia sẻ cách nhìn nhận của mình về những thách thức mà ngành du lịch tỉnh nhà đang gặp phải.

Theo bà Hoàng Thị Chiển: Hoà Bình là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, nơi quy tụ 177 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 53 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Ngoài ra, Hoà Bình còn có hơn 50 bản, làng du lịch – văn hoá, đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng… Bấy lâu nay, sự phong phú và đặc sắc của các giá trị văn hoá tuy chưa tạo ra sức hút nổi bật cho du lịch Hoà Bình nhưng luôn được xác định là yếu tố quan trọng, dồi dào để ngành du lịch tỉnh nhà khai thác. Đây cũng là định hướng xác đáng đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2015: Cần gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương.

 

Đánh giá tiềm năng của du lịch Hoà Bình với thế mạnh nổi bật là các sản phẩm văn hoá dân tộc, ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Vài năm trở lại đây, ngành du lịch Hoà Bình luôn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định. Sản phẩm du lịch phong phú hơn, chất lượng dịch vụ được đầu tư nâng cấp, một số khu, tuyến, điểm du lịch mới đi vào hoạt động, khai thác khá hiệu quả các giá trị văn hoá cổ truyền nên đã tạo sức hút nhất định đối với du khách muôn phương. Gần đây, Hoà Bình lại ra mắt Hiệp hội Du lịch tỉnh - một động thái tích cực mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch tỉnh nhà. Tôi cho rằng đó là sự phát triển rất đáng khích lệ.           

 

Vài năm trở lại đây, cái tên Hoà Bình đã trở nên quen thuộc đối với nhiều du khách, gắn liền theo đó là ấn tượng khó quên về một vùng đất tươi đẹp, hiền hoà và giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Đến với địa danh “Bốn Mường” đã từng được tôn vinh trong lịch sử, những du khách đam mê khám phá các giá trị cổ truyền hẳn sẽ khó cưỡng lại sức hút độc đáo của các lễ hội văn hoá đậm đà bản sắc, như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội Chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội Chùa Hang (Yên Thuỷ), rồi lễ Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội Chá Chiêng của đồng bào dân tộc Thái...

 

Tỉnh đã tích cực thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể, bằng chứng là đã có hàng chục di tích văn hoá – tín ngưỡng được trùng tu, tôn tạo; công tác bảo tồn, bảo tàng cũng được coi trọng với nhiều hình thức; tích cực đầu tư cho công tác sưu tầm các di vật, cổ vật trên địa bàn; giá trị của văn hoá cồng chiêng Mường đã bắt đầu được quan tâm khai thác thành các sản phẩm du lịch độc đáo. Đặc biệt, dấu tích của nền văn hoá Hoà Bình - cái nôi văn hoá của người Việt cổ - giờ đây vẫn im đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ cao, ví dụ như Hang Chổ (Lương Sơn), hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ (Lạc Sơn) và mới đây nhất là những phát hiện kỳ thú gây xôn xao dư luận về một lối mòn cổ có niên đại khoảng 21 – 22 nghìn năm tại hang xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tức Mường Vang xưa)... Những dấu ấn đậm đặc của nền văn hoá Hoà Bình nhất định sẽ “hớp hồn” du khách. Điều đáng nói là giờ đây, dấu ấn đó đã trở thành các giá trị văn hoá phi vật thể được “ánh xạ” lấp lánh trong đời sống thường nhật thông qua các phong tục, tập quán tốt đẹp của người bản xứ, để rồi hứa hẹn sẽ trở thành giá trị cốt lõi tạo nên sức hút độc đáo cho du lịch Hoà Bình.

 

Tuy nhiên, bày tỏ sự tiếc nuối khi ngành du lịch tỉnh nhà chưa khai thác đúng tầm các giá trị văn hoá để có sự phát triển mạnh mẽ hơn, ông Ngô Trọng Thược - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH, TT & DL Hoà Bình – thẳng thắn bộc bạch: Hoà Bình có cả một quần thể di tích danh lam thắng cảnh và di sản văn hoá dân tộc phong phú. Nhưng đáng tiếc là ngành du lịch chưa khai thác hiệu quả để có thể trở thành các sản phẩm du lịch đặc thù. Do đó chưa tạo ra sức hút đặc biệt đối với du khách, chưa tạo được điểm nhấn văn hoá thực sự nổi bật trong bức tranh du lịch Hoà Bình. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch phải xây dựng chương trình hành động phù hợp hơn mới có thể quảng bá rộng rãi những giá trị độc đáo của nền văn hóa cổ truyền.

 

Gắn văn hóa với phát triển du lịch, ngành chức năng có cơ sở để tin rằng Hòa Bình sẽ thực sự trở thành điểm đến thú vị thu hút bước chân của du khách muôn phương./.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục