Hoạt động của ngành

Để ngành Du lịch Hà Giang phát triển nhanh, mạnh, bền vững

Cập nhật: 11/11/2009 08:20:06
Số lần đọc: 3367
Với lợi thế là vùng đất có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử đặc sắc như: Núi đôi, Cổng trời Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú, khu phố cổ Đồng Văn, khu di tích nhà Vương, Cao nguyên đá, đỉnh Mã Pì Lèng… Hà Giang luôn được đánh giá là điểm đến mới khá hấp dẫn. 

Đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng, hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú (CSLT), nhà hàng tại tỉnh ta đã và đang được xây dựng, để từng bước đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch.


Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 164 nhà hàng, 89 cơ sở lưu trú với 27 khách sạn, 71 nhà nghỉ với 1.003 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao. Tuy nhiên, hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng dịch vụ nghỉ, chưa đáp ứng dịch vụ cơ bản như phòng ăn, quầy bar, quầy hàng lưu niệm… theo quy định. Đối với các CSLT vừa và nhỏ, do xây dựng tự phát, thiếu sự quy hoạch cụ thể, việc bố trí phòng nghỉ chưa khoa học, một số trang thiết bị sau khi sử dụng một thời gian đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa nên chất lượng còn thấp. Đối với hệ thống nhà hàng, hầu như đều có quy mô vừa và nhỏ, chỉ phục vụ các món ăn thông thường, bình dân, chất lượng phục vụ chưa cao nên không đủ đáp ứng nhu cầu với khách du lịch có khả năng chi trả cao.


Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ du lịch như đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên, quản lý nhà hàng, khách sạn… đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ. Hiện nay, tổng số lao động trong ngành Du lịch Hà Giang là 753 người, trong đó, 430 người chưa qua đào tạo chuyên ngành, số lượng phục vụ trong các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng là 470 người. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Để từng bước xây dựng Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh con người và cảnh quan, thiên nhiên của Hà Giang, tuyên truyền vận động các nhà hàng, khách sạn, làng văn hoá du lịch cộng đồng… từng bước đầu tư, nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ du khách. Song song với đầu tư cơ sở vật chất để thu hút khách du lịch, ngành Du lịch của tỉnh còn tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, như mở các lớp đào tạo và đào tạo lại về nghiệp vụ kinh doanh du lịch cho lao động và cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng cao của khách du lịch.


Tuy nhiên, một thực tế cần phải thừa nhận là du lịch Hà Giang là một ngành kinh tế mới được đầu tư phát triển, chất lượng phục vụ chưa cao, nhân viên không chuyên nghiệp, sự hiểu biết về lịch sử, văn hoá của các dân tộc, địa phương còn ít. Cùng với đó là các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn còn ít do đó chưa tạo ra được nhiều các tour, tuyến hấp dẫn mang đặc trưng của vùng. Do vậy, ngành du lịch tỉnh ta còn phải thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, các lớp ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc… cho cán bộ quản lý, nhân viên tại các điểm du lịch trên địa bàn, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng về xây dựng nếp sống văn hoá trong du lịch cho người dân địa phương tham gia các hoạt động bán hàng, lễ tân ở các danh lam, khu di tích, các nhà hàng, khách sạn. Qua đó, góp phần tích cực làm chuyển biến trong phong cách, thái độ, ý thức phục vụ khách du lịch.

Trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp, tin rằng ngành Du lịch Hà Giang sẽ tiếp tục phát triển, khai thác thế mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thu hút nhiều khách lưu trú, đẩy mạnh hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ, quảng bá, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nguồn: website báo Hà Giang

Cùng chuyên mục