Hoạt động của ngành

Cần có giải pháp cụ thể đào tạo, quản lý đội ngũ thuyết minh viên tại chỗ nhằm phát triển du lịch

Cập nhật: 16/05/2008 14:05:44
Số lần đọc: 3413
Ngày nay, đi du lịch không chỉ thăm thú cảnh quan mà du khách còn muốn khám phá những nét truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của điểm đến. Chính vì vậy, những người làm công tác hướng dẫn, thuyết minh cho khách tại đó rất quan trọng. Làm thế nào để đội ngũ này thật sự tuyên truyền đúng, đầy đủ và tạo ấn tượng tốt cho du khách đang là câu hỏi đặt ra, nhất là đối với những di tích quan trọng và có nội dung nhạy cảm.
Việc thuyết minh cho du khách hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của một địa danh nào đó có ý nghĩa rất quan trọng đặc biệt là khách quốc tế tới Việt Nam. Trong khi đó, xu thế du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng ngày càng được khẳng định và phát triển. Do vậy, đội ngũ hướng dẫn viên khó có thể đáp ứng được những nhu cầu của du khách khi họ muốn khám phá, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người dân bản địa. Ông Đỗ Đình Cương, Giám đốc Công ty Hỗ trợ Du lịch cho biết: kiến thức của hướng dẫn viên cho dù đó là người có kinh nghiệm và trình độ cũng không thể chuyên sâu trong mọi lĩnh vực vì vậy khi giới thiệu cho khách du lịch tại điểm du lịch có giá trị văn hóa, lịch sử (đặc biệt là giá trị văn hóa cổ) thường không hiểu biết, do vậy không truyền đạt hết giá trị của các di tích đó. Ông Cương cũng đưa ra so sánh với Thái Lan, một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có ngành du lịch khá phát triển, nhưng họ có quy định hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn tại một số di tích văn hóa, lịch sử quan trọng thì không được quyền tác nghiệp tại những nơi đó.

Bên cạnh đó, hướng dẫn viên thường không phải là người địa phương nên ít có điều kiện tìm hiểu sâu cũng như việc đào tạo đội ngũ này lại mất khá nhiều thời gian và chi phí.

Như vậy có thể thấy rằng, đội ngũ thuyết minh viên tại chỗ là khá quan trọng và cần thiết. Mặc dù có thể nhìn thấy rằng, đội ngũ thuyết minh viên tại điểm còn một số hạn chế nhất định: trình độ văn hóa không cao, không đồng đều đặc biệt là về kỹ năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ còn yếu. Tuy nhiên, họ lại có thế mạnh là người địa phương, là người hiểu sâu sắc về giá trị của di tích, những nét văn hóa, tập tục của địa phương mình và đặc biệt họ sẽ đưa vào trong bài giới thiệu ấy tất cả tình cảm và niềm tự hào về quê hương. Hơn nữa, họ chỉ giới thiệu về một di tích hoặc một cụm di tích nên họ có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu hơn.

Khi bàn về việc phải tập trung hơn nữa cho đội ngũ thuyết minh viên tại điểm, ông Cường cũng cho rằng đó là cách giúp cho địa phương phát triển du lịch cộng đồng một cách đúng hướng và có hiệu quả. Bởi phần lớn các di tích văn hóa (đặc biệt là văn hóa Việt Cổ) đều nằm trong không gian phát triển du lịch cộng đồng mà mục tiêu phát triển loại hình du lịch này là xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Từ thực trạng thuyết minh viên tại các điểm du lịch hiện nay và vai trò của đội ngũ này trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc và phát triển du lịch chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như: về đào tạo; về quản lý; những chính sách đãi ngộ…

Để những giải pháp đưa ra đạt hiệu quả thì trước mắt cần phải tiến hành các cuộc khảo sát thực tế để xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp. Chẳng hạn như các thuyết minh viên ở bảo tàng, tại các di tích văn hóa, lịch sử lớn thì đa phần là có trình độ đại học và đã qua các lớp đào tạo kỹ năng tại các cơ sở của Bộ Văn hóa nên họ đã có vốn kiến thức chuyên sâu nhưng những bài thuyết minh thường ít sáng tạo vì vậy cần tăng thời gian giao tiếp với du khách; đối với những đội ngũ có xuất xứ từ người địa phương thì phải tăng cường bồi dưỡng về các nghiệp vụ cơ bản…

Bên cạnh đó, các địa phương, các điểm du lịch là các di tích cũng cần có những cuộc thi nhằm giúp cho các thuyết minh viên tăng cường tìm hiểu và nâng cao trình độ của mình.
Nguồn: website báo ĐCSVN

Cùng chuyên mục