Hoạt động của ngành

Nhiều giải pháp phát triển du lịch trong Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai)

Cập nhật: 02/11/2009 13:50:00
Số lần đọc: 2169
Đã có nhiều ý kiến tham gia tại Hội thảo giải pháp quản lý, khai thác và phát triển du lịch trong vườn quốc gia Hoàng Liên, do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 1/11 tại Sa Pa.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình du lịch khám phá Phan-xi-păng 2009, với sự hỗ trợ của tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp lữ hành cùng các ý tưởng mà du khách tham gia chương trình du lịch khám phá đóng góp.

Từ lâu, Sa Pa đã là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, khí hậu mát mẻ, trong lành và giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Nói đến Sa Pa không thể không nhắc đến vườn quốc gia Hoàng Liên – nơi có đỉnh Phan-xi-păng cao 3.143m và được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Với những đặc điểm nổi bật về tính đa dạng sinh học, tính đặc hữu, quý hiếm, vườn quốc gia Hoàng Liên còn được xem là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam và được công nhận là vườn di sản ASEAN (tháng 10/2004).

Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam, có diện tích vùng lõi 29.845 ha, chủ yếu thuộc tỉnh Lào Cai (bao gồm thị trấn Sa Pa, một số xã thuộc huyện Sa Pa, một phần huyện Văn Bàn) và 2 xã thuộc huyện Than Uyên (Lai Châu). Vườn quốc gia Hoàng Liên chủ yếu là rừng nguyên sinh với một thảm thực vật rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi cao và hệ động vật rừng phong phú, đa dạng.

Với hệ sinh thái rừng phong phú như vậy, trong những năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, những tổ chức trong và ngoài nước được tiến hành ở vườn quốc gia Hoàng Liên. Kết quả những nghiên cứu này đều cho thấy những giá trị to lớn về đa dạng sinh học, về cảnh quan thiên nhiên cũng như những giá trị văn hóa dân tộc, là nơi sinh sống của 5 dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó), đặc biệt là tiềm năng dồi dào để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch leo núi mạo hiểm, du lịch văn hóa và du lịch nghiên cứu khoa học.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho rằng, có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vườn quốc gia Hoàng Liên, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện; ồ ạt đưa du khách lên khám phá Phan-xi-păng trong khi công tác quản lý còn bất cập; việc phân chia nguồn lợi từ du lịch chưa hài hòa khiến người dân bản địa – những người chủ đích thực của núi rừng – chưa được hưởng lợi nhiều; việc “biến” bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa thành nguồn lợi chưa tương xứng với tiềm năng...

Theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn, trước nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sinh thái, cảnh quan và môi trường, thì các tuyến du lịch sinh thái tham quan trong vườn quốc gia Hoàng Liên phải được tổ chức chu đáo, có nguyên tắc và tổ chức. Công tác tuyên truyền, giáo dục và tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng quốc gia phải được tiến hành song song với các biện pháp răn đe với các hành vi phá rừng làm nương rẫy, hoặc săn bắt chim, thú quý...

Ông Nguyễn Quốc Trị, giám đốc sở Khoa học – Công nghệ Lào Cai là người đã có nhiều năm gắn bó với vườn quốc gia Hoàng Liên, cho rằng: Cần nâng cao ý thức bảo vệ đa dạng sinh học cho cộng đồng sống trong và xung quanh vườn quốc gia về lợi ích của bảo vệ rừng và tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng thông qua các dự án bảo vệ và phát triển rừng.

Một vấn đề khác được nêu ra: Khi thăm vườn quốc gia Hoàng Liên và chinh phục đỉnh Phan-xi-păng, du khách chỉ được đi và về trên một con đường, gây nhàm chán cho du khách, trong khi họ mới chỉ khám phá được một phần rất nhỏ trong sự đa dạng của vườn quốc gia Hoàng Liên. Đó là ý kiến của ông Hà Quốc Trung, giám đốc trung tâm thông tin du lịch Lào Cai.

Ông Trung cho rằng: Chúng ta tự hào có một vườn quốc gia đa dạng cả về động và thực vật. Do đó, cần xem xét ý tưởng: Hành trình tồn tại của vườn quốc gia Hoàng Liên song hành với hành trình phát triển du lịch!

Mặc dù không sang Lào Cai tham gia chương trình du lịch khám phá Phan-xi-păng, nhưng ông Trương Thực, tổng thư ký hiệp hội leo núi Côn Minh (Trung Quốc) đã gửi một tham luận đến hội thảo. Sau khi trình bày một số kinh nghiệm thành bại trong phát triển loại hình du lịch leo núi tại Côn Minh và một số nơi ở Trung Quốc, tham luận nêu bật 3 nội dung để khai thác tuyến leo Phan-xi-păng: Tổ chức du lịch leo núi phổ thông (có thể chia làm 4 nhóm thị trường để khai thác du khách, gồm: thị trường trong nước; thị trường Âu – Mỹ; thị trường Trung Quốc mà ban đầu là tỉnh Vân Nam và miền tây nam Trung Quốc; thị trường tỉnh Lào Cai và các tỉnh lân cận); Tổ chức các đại hội leo núi (giống như các chương trình khám phá dành cho đại chúng); Tổ chức các cuộc thi leo núi chuyên nghiệp (giống như các cuộc thi chinh phục dành cho các VĐV)...

Là một công ty lữ hành thường tổ chức các tour du lịch lên Phan-xi-păng, giám đốc công ty du lịch Đức Minh Sa Pa nêu một số hiện tượng tiêu cực của một số công ty lữ hành, của du khách, poster, thậm chí là cả hướng dẫn viên trong việc xả rác bừa bãi, chặt cây cắm trại, đốt lửa để sưởi... “Không ít du khách gào hét, tung hô, mở nhạc rất to trong vườn Hoàng Liên, nhất là khi lên đến đỉnh Phan-xi-păng. Tiếng ồn từ các hoạt động của du khách hoặc người phục vụ sẽ làm ảnh hưởng tới động vật hoang dã, gây cản trở chúng di chuyển, tìm mồi hoặc kết đôi sinh sản. Cần khuyến cáo, ngăn ngừa, hạn chế việc tổ chức các hoạt động náo nhiệt, hò hét, nô nghịch trong hành trình khám phá Phan-xi-păng” – giám đốc công ty du lịch Đức Minh phát biểu.

Trao đổi với phóng viên báo Lào Cai bên lề hội thảo, đồng chí Bùi Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lấy 2 thí dụ: Một du khách Nhật sau khi chinh phục Phan-xi-păng, về đến Sa Pa với thái độ hết sức buồn bã, thậm chí vị khách này đã khóc. Thì ra ông buồn vì vườn Hoàng Liên bẩn quá, và ông khóc thương cho Phan-xi-păng. Hoặc một du khách người Úc khi đi thăm thú làng bản Sa Pa, muốn chụp ảnh hoặc tham gia các hoạt động của người dân bản địa, thì họ bị đòi tiền, thậm chí bị đòi rất nhiều tiền.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hai trường hợp trên (xả rác và đòi tiền) tuy không mới mẻ mà đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng việc hạn chế quá chậm. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo này là rất hữu ích cho tỉnh, cho các cơ quan chức năng, địa phương và các doanh nghiệp lữ hành tìm ra các giải pháp quản lý, khai thác và phát triển du lịch trong vườn quốc gia Hoàng Liên.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục