Hoạt động của ngành

Nha Trang sẽ có phố đi bộ

Cập nhật: 01/10/2009 07:10:36
Số lần đọc: 2434
Phố đi bộ là một nét văn hóa đặc trưng cho mỗi đô thị; là sự quyến rũ đối với những du khách có nhu cầu đi bộ, mua sắm và ngắm nhìn. Đây cũng là chuỗi các không gian giao tiếp của người dân và du khách. Chính vì thế, ý tưởng hình thành một khu phố đi bộ, mua sắm phục vụ du khách đã được UBND tỉnh giao TP. Nha Trang nghiên cứu thực hiện từ năm 2004.

Mục đích của tỉnh khi hình thành khu phố đi bộ, mua sắm là để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân địa phương và tạo thêm sản phẩm du lịch mới (đặc biệt vào ban đêm) phục vụ du khách. Dự án phố đi bộ đã qua nhiều lần điều chỉnh hồ sơ để báo cáo UBND tỉnh và lấy ý kiến các sở, ngành. Với quyết tâm tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, TP. Nha Trang sẽ đưa phố đi bộ vào hoạt động trong năm 2010.

 

So với đề án được đưa ra để lấy ý kiến người dân trong năm 2008, phương án mới được đơn vị tư vấn (Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư bất động sản Việt Tín) lập đã tạo được sự đồng thuận lớn. Ý kiến của các sở, ngành đều thống nhất cho rằng, việc quy hoạch xây dựng một khu phố đi bộ tại TP. Nha Trang là hết sức cần thiết; vì nếu được tổ chức tốt, nó sẽ tạo ra một điểm hẹn ấn tượng, một hình ảnh văn minh, thân thiện để giao lưu văn hóa với du khách. Đây cũng là nơi tạo ra các cơ hội làm ăn mới, đồng thời sẽ cải thiện được tình trạng buôn bán hàng rong quanh khu vực đường Trần Phú và dọc bờ biển hiện nay.

 

Theo Kiến trúc sư Trần Văn Dũng (đơn vị tư vấn): Phố đi bộ là chuỗi không gian liên tục gồm: không gian biểu diễn - quảng cáo - tiếp thị với không gian buôn bán - giao tiếp. Xây dựng phố đi bộ theo các mục tiêu: Hình thành các quảng trường nhỏ để làm nơi biểu diễn văn nghệ kết hợp với các hoạt động quảng cáo tiếp thị. Các không gian biểu diễn - quảng cáo là một dạng không gian mở, có thể lắp, dựng các cột đèn trang trí xung quanh các góc đường và giá kim loại gắn đèn trang trí lượn trên vành đai quảng trường mang ý nghĩa tượng trưng cho giới hạn một không gian giao tiếp tập trung. Trên phố cũng sẽ hình thành các khu vực bán hàng, khu giao tiếp dọc phố đi bộ, các khu buôn bán ăn uống, giải khát dưới dạng quầy di động có cùng kiểu dáng đẹp mắt. Dự kiến, tại phố đi bộ sẽ có các hoạt động kinh doanh, buôn bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, đặc sản đóng gói có tính chất quà biếu; hoạt động văn hóa: thi vẽ tranh, triển lãm, thư pháp, quảng cáo tiếp thị; hoạt động văn nghệ: biểu diễn ca nhạc theo nhóm hoặc đơn lẻ, biểu diễn ảo thuật trên đường mà không cần có sân khấu; kinh doanh giải khát, ăn nhẹ trên mặt phố; hoạt động tiếp thị các sản phẩm của các hãng sản xuất, công ty thương mại…; hoạt động thể thao, biểu diễn võ thuật, Aerobic…Với cách tổ chức này, phố đi bộ sẽ có sinh khí hơn, kích thích được các hoạt động buôn bán vốn đang tồn tại trên đường và duy trì các hoạt động văn nghệ qua các nguồn thu từ chi phí quảng cáo… Mặt khác, phố đi bộ cũng sẽ góp phần kích thích sự phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thời trang trong nước; vì phố đi bộ là một điểm đến hấp dẫn, tạo ra môi trường tiếp thị, quảng cáo và bán hàng tốt nhất.

 

Hiện trạng đô thị Nha Trang chưa có khu vực dành riêng để làm phố đi bộ, cho nên việc xây dựng một phố đi bộ thuần túy rất khó thực hiện. Bởi lẽ, việc ngăn xe cơ giới sẽ gây trở ngại cho sinh hoạt của người dân địa phương. Theo Kiến trúc sư Trần Văn Dũng, giải pháp cho vấn đề này là tạo ra một phố đi bộ theo giờ quy định. Đường Biệt Thự và đường Trần Phú đoạn từ đường Biệt Thự đến Tháp Trầm Hương là nơi rất phù hợp để làm phố đi bộ, vì ở đây có Quảng trường, công viên ven biển, các quán cà phê, các cửa hàng lưu niệm… và là nơi thường tập trung đông người dân và du khách.

 

Phố đi bộ sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với đặc điểm riêng là đường và vỉa hè, đảm bảo cho du khách có thể ngắm xem thoải mái cảnh vật xung quanh trong khi đi bộ dọc phố. Vì vậy, toàn bộ lề đường sẽ được lát bằng gạch đá mài với hoa văn trang trí. Cây xanh cũng sẽ được quy hoạch lại theo hướng bỏ bớt cây hoa sữa trên đường Biệt Thự và trồng thay thế bằng cây Osaka bông đỏ hoặc bằng lăng nhiều hoa; trồng thêm cây xanh và giàn hoa dây leo dọc đường Trần Phú để tạo bóng mát và cảnh quan nhưng không che khuất phần trên của các công trình kiến trúc cũng như không gian dự kiến trang trí đèn và bảng hiệu. Ngoài ra, dọc trên phố đi bộ cũng sẽ bổ sung thêm nhiều hoa… Chính vì thế, khi trở thành phố đi bộ, khu vực này sẽ là một trong những địa điểm đẹp nhất của thành phố.

 

Dự kiến, trong thời gian đầu, phố đi bộ sẽ hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ trong các ngày Thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần. Việc tổ chức phố đi bộ là vấn đề khá mới mẻ, còn rất nhiều điều phải thực hiện. Chính vì thế, trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ có những điều bất cập. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh thích hợp để phố đi bộ hoạt động tốt, trở thành sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục