Hoạt động của ngành

Thế mạnh du lịch đường bộ

Cập nhật: 13/08/2009 09:30:24
Số lần đọc: 5913
Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam đã được đầu tư nâng cấp, các cửa khẩu quốc tế đường bộ được mở rộng, phát triển, đặc biệt có tuyến đường xuyên Á kết nối các thị trường có nhu cầu du lịch đường bộ cao trong khu vực.

Có nhiều điều kiện để khai thác nhưng lượng khách du lịch đường bộ mới chỉ đạt 20%/năm trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Du lịch đường bộ nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về thủ tục, chính sách xuất nhập cảnh, lưu thông vận chuyển, cơ sở hạ tầng và sản phẩm đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của nhiều ban, ngành và sự hợp tác hiệu quả với du lịch các nước trong khu vực.

Việt Nam có biên giới đất liền khoảng 4.550 km với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, trong đó có khoảng 100 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ. Ðây là lợi thế để phát triển du lịch đường bộ vào Việt Nam thông qua các nước láng giềng, tạo điều kiện hội nhập và phát triển du lịch với những thị trường khách du lịch ASEAN và thế giới. Ngoài lượng khách du lịch bằng thẻ qua các cửa khẩu phía bắc, nhờ sự phát triển mạnh của du lịch đường bộ nội khối, khách ASEAN đang là nguồn khách đến quan trọng đối với du lịch nước ta thông qua tuyến du lịch đường bộ qua các cửa khẩu tại miền trung, miền nam và đang từng bước định hình, tạo thêm một thương hiệu mới là du lịch ca-ra-van đến Việt Nam bằng ô-tô. Cuối năm 2005, với nỗ lực của lãnh đạo các nước, loại hình du lịch đường bộ giữa ba nước Việt Nam, Lào, Thái-lan đã được khai thông, cho phép khách du lịch đi bằng xe riêng qua lại tại ba cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào trên các quốc lộ 8; 9 và 40. Trong hơn ba năm qua, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã tổ chức cho khoảng 200 đoàn du lịch ca-ra-van với gần 3.500 xe các loại và 11 nghìn lượt khách đến Việt Nam. Du lịch ca-ra-van đã góp phần thúc đẩy các loại hình du lịch đường bộ khác, thu hút khoảng từ 60 đến 90 nghìn lượt du khách qua các cửa khẩu miền trung. Kết quả bước đầu cho thấy, tổ chức du lịch đường bộ mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt và khẳng định du lịch đường bộ là một thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2003 đến 2007, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ có xu hướng giảm dần so với tổng lượng khách quốc tế đến nước ta. Năm 2008, đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng đạt 19% (khoảng hơn 813 nghìn lượt khách). Năm nay, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu du lịch giảm xuống hoặc khách du lịch có hướng lựa chọn những điểm đến gần. Ðiều này khiến lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có lượng khách đường bộ giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến nước ta bằng đường bộ chỉ bằng 66,1% so với cùng kỳ năm 2008 (tương đương 351 nghìn lượt khách). Trong khi kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ở nước ta ngày càng được cải thiện, xu hướng khách du lịch đi bằng đường bộ ngày một tăng, nhất là với các thị trường Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia và khách nước thứ ba quá cảnh. Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa cho phép công dân đi du lịch Việt Nam trở lại bằng Thẻ thông hành cũng là một điều kiện thuận lợi nữa. Những điều đó đã đặt ra cho du lịch Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan phải có các kế hoạch, chính sách hữu hiệu để khai thác có hiệu quả những thị trường này.

Trước mắt, về giao thông vận tải, bên cạnh việc tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ đúng cấp kỹ thuật theo quy hoạch, đồng bộ với mạng lưới đường của các nước bạn như những thỏa thuận đã ký kết, chính quyền địa phương và bộ, ngành liên quan cần xây dựng mới hoặc hoàn thiện các đoạn đường nối từ quốc lộ đến các khu, điểm du lịch. Tại những tuyến đường giao thông có lưu lượng khách quốc tế thường qua lại, nên khẩn trương lắp đặt hệ thống biển báo, hướng dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế bằng hai hoặc ba thứ tiếng; tăng cường nâng cao chất lượng và điều kiện an toàn của phương tiện vận chuyển. Ðể tạo thuận lợi trong việc tăng thời gian tham quan, mua sắm của khách, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu điều chỉnh cho phép tăng thêm tiêu chuẩn tốc độ ô-tô tại một số đoạn đường đã nâng cấp hoàn chỉnh từ cửa khẩu đến các trung tâm du lịch. Trên các tuyến quốc lộ lớn, nhất là các tuyến quốc lộ từ cửa khẩu ở khu vực miền trung đưa khách đến các điểm đến trong khu vực, cần có chính sách, cơ chế thông thoáng hơn mời gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh các điểm dừng chân, phục vụ khách nghỉ ngơi, ăn uống.

Về công tác quảng bá, tiếp thị và nghiên cứu thị trường khách quốc tế đường bộ, ngành du lịch nên có kế hoạch xúc tiến đồng bộ đối tượng khách quốc tế nói chung và khách ASEAN nói riêng; xây dựng và giới thiệu sản phẩm cho phù hợp thị trường khách các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và khách các nước khác thông qua hành lang kinh tế Ðông- Tây; đẩy mạnh quảng bá bằng các tài liệu, ấn phẩm sử dụng ngôn ngữ của địa phương các quốc gia thị trường tiếp giáp để những thông tin đó đến được khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh ứng dụng internet để giới thiệu du lịch đường bộ Việt Nam.

Một trong các yếu tố góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch đường bộ là sự phối hợp liên ngành, hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý. Trong đó, các cơ quan quản lý du lịch ở các địa phương có cửa khẩu đón khách quốc tế cần nghiên cứu, đề xuất giảm và thống nhất các khoản phí, mức phí tại cửa khẩu quốc tế nhằm giảm giá tua du lịch và thúc đẩy lượng khách xuất nhập cảnh; tiếp tục nghiên cứu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho phép công dân của Lào, Cam-pu-chia sử dụng giấy thông hành xuất nhập cảnh đi theo tua du lịch trọn gói được vào sâu trong nước ta. Ngành du lịch và các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tổ chức và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của người nước ngoài mang vào Việt Nam du lịch. Nghị định này sau khi ban hành sẽ tạo bước đột phá trong phát triển loại hình du lịch xe tự lái; sớm ban hành Thông tư liên tịch để triển khai việc cấp biển, hiệu cho phương tiện vận chuyển du khách và đào tạo đội ngũ lái xe. Ngành du lịch cũng nên chú trọng việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và phương tiện vận chuyển khách du lịch đường bộ; đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, khu du lịch cao cấp tại miền trung; chú ý đầu tư vào sản xuất và bố trí bán hàng phù hợp loại hình du lịch đường bộ. Về hợp tác quốc tế, muốn phát triển du lịch đường bộ, ngành du lịch Việt Nam phải đẩy mạnh hơn việc liên kết với Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia; mở rộng liên kết du lịch đường bộ sang Malaysia, Singapore; xây dựng kế hoạch thu hút khách du lịch Trung Quốc đường bộ và khách du lịch sử dụng xe tự lái...

Có thể nói, du lịch đường bộ là yếu tố tạo nên sự ổn định về nguồn khách và nhiều tiềm năng để du lịch Việt Nam khai thác và phát triển. Việc có những chính sách ưu tiên khuyến khích cho loại hình du lịch ca-ra-van; sớm ban hành văn bản pháp quy về tổ chức và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của khách quốc tế vào du lịch nước ta; quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông chính, tăng cường phối hợp các nước láng giềng tạo thông thoáng về chủ trương, chính sách thủ tục; sẽ đáp ứng nhu cầu du khách quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng lữ hành tổ chức đón khách, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của du lịch đường bộ Việt Nam.

 

Vũ Thế Bình

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn:

Du lịch đường bộ Việt Nam đang tồn tại nhiều rào cản và vướng mắc, thiếu chính sách vĩ mô và những văn bản pháp luật điều chỉnh các quy định về quản lý phương tiện cơ giới vận chuyển du khách quốc tế đi du lịch đường bộ vào Việt Nam; thủ tục xin phép cho các đoàn khách ca-ra-van vào Việt Nam, quy trình xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn mất nhiều thời gian, nhất là khi khách đến cửa khẩu ngoài giờ làm việc. Các sản phẩm phục vụ du khách đường bộ còn đơn điệu, hạn chế, hạ tầng giao thông nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, chưa có được những trạm dừng chân phục vụ du khách tại các tuyến quốc lộ chính. Nguy cơ mất an toàn giao thông còn cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp; hoạt động quảng bá du lịch đường bộ cũng chưa được các địa phương coi trọng đúng mức. Du lịch Việt Nam cần chủ động phối hợp các nước trong khu vực xây dựng và thống nhất về những tiêu chí chung cùng các chính sách nhằm tạo điều kiện phục vụ du khách đường bộ một cách thuận lợi nhất; hợp tác với du lịch các nước: Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia nhằm thực hiện ý tưởng xây dựng chương trình du lịch "Bốn nước- Một điểm đến" cho du lịch ca-ra-van; tổ chức một hội chợ du lịch hằng năm luân phiên quảng bá về điểm đến chung của bốn nước; trong đó giới thiệu về du lịch đường bộ như một yếu tố liên kết quan trọng.

 

Trưởng đại diện Cơ quan du lịch Thái-lan tại TP Hồ Chí Minh Pi-chai Rát-ta-si-nha:

Việt Nam và Thái-lan nên hình thành một lực lượng hành động chuyên biệt cho các hoạt động quảng bá du lịch đường bộ như là một công cụ hiệu quả bằng việc mời các chuyên gia về nghiên cứu thị trường và áp dụng ý tưởng và hướng đi mới của họ cho mục tiêu trung hạn và dài hạn; tổ chức nhiều diễn đàn và hội thảo dựa trên các chủ đề du lịch đường bộ để các bên tham gia củng cố được khả năng tiếp cận với các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản và Australia.

 

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thị trường du lịch Nguyễn Thành Vượng:

Cần sớm đưa các cửa khẩu chính đủ điều kiện và có khả năng đón khách thành cửa khẩu quốc tế, qua đó nối thêm lộ trình và tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách. Ðặc biệt cần tránh sự đơn điệu, giống nhau trong xây dựng, thiết kế tua du lịch; nên cố gắng để các đoàn du khách đường bộ vào nước ta bằng cửa khẩu này và ra bằng cửa khẩu khác nhằm tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách, chứ không nên quay trở lại bằng đường cũ một cách nhàm chán. Làm thủ tục cửa khẩu phải có sự phối hợp thống nhất về thời gian giữa cơ quan chức năng hai nước, đồng thời cần thực hiện ngay những quy trình kiểm tra xuất nhập cảnh, hải quan cho các đoàn khách du lịch đường bộ trước, thông qua hệ thống internet, tránh sự chờ đợi không cần thiết cho du khách. Bên cạnh đó phải có sự liên kết hợp tác đầu tư với doanh nghiệp du lịch và vận chuyển khách du lịch ở các địa phương nước bạn; đào tạo, sử dụng hướng dẫn viên địa phương, tạo việc làm và chia sẻ lợi nhuận, đôi bên cùng có lợi, với mục đích phục vụ du khách một cách thuận lợi và an toàn nhất.

 

Giám đốc Công ty du lịch Viking Trần Xuân Hùng:

Cần đơn giản hóa các thủ tục tại cửa khẩu quốc tế đường bộ; nên hủy bỏ thủ tục cấp biển số tạm cho xe ô-tô tay lái nghịch đi theo đoàn ca-ra-van lưu hành vì xét thấy thủ tục này không cần thiết bởi đoàn xe nước ngoài vào Việt Nam bao giờ cũng được tổ chức và có xe dẫn đường bởi doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Thời gian chờ đợi làm thủ tục ở cửa khẩu đường bộ là một trong những rào cản phong trào du lịch bằng xe tự lái. Hãy giúp đỡ du khách bằng cách rút ngắn thời gian chờ đợi bằng đơn giản hóa thủ tục hải quan. Cần áp dụng cổng xanh "Không có hàng hóa khai báo" (Green lane: Nothing to declare) cho du khách đi du lịch ca-ra-van.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục