Hoạt động của ngành

Du lịch vùng Tây Bắc: Liên kết để phát triển bền vững

Cập nhật: 06/07/2009 08:37:27
Số lần đọc: 2226
Để phát triển mạnh mẽ du lịch, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường cùng với việc quảng bá sản phẩm là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Du lịch, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư vùng Tây Bắc cùng hướng tới.

Tiềm năng và nguồn lực du lịch dồi dào  

Vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai, với diện tích gần 51.000 km²; có vị trí quan trọng đối với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, là 1 trong 3 tiểu vùng du lịch của vùng du lịch Bắc Bộ. 

Tây Bắc rộng lớn với thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều khu rừng nguyên sinh như: Vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng; có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam trong đó, dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan-xi-păng cao 3.143 mét được mệnh danh là "nóc nhà của Đông Dương". Vùng Tây Bắc còn có nhiều điểm cao trên 1.000 mét với khí hậu mát mẻ quanh năm như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La), nhiều hang động và nhiều suối nước nóng, thích hợp với phát triển loại hình du lịch nghỉ mát, dưỡng bệnh. 

Không gian Tây Bắc là không gian của văn hoá dân tộc Thái- Mường với nét văn hoá hết sức đặc trưng hấp dẫn, với nhiều lễ hội, các loại hình nghệ thuật, các sản phẩm thủ công truyền thống, các đặc sản ẩm thực.v.v... 

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: hạ tầng cơ sở còn kém phát triển và chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết; đời sống của người dân còn nghèo, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Chính vì thế, các tỉnh ở Tây Bắc đã liên kết lại để phát triển du lịch một cách bền vững, phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, gắn với cộng đồng dân cư, xoá đói giảm nghèo và gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội.  

Liên kết để tạo sản phẩm du lịch chung của vùng 

Theo ông Phùng Quang Thắng- Trưởng phòng Kinh doanh và Phát triển của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, để phát triển hoạt động du lịch cộng đồng bền vững, cần giải quyết tốt việc chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Cần phải chấm dứt tình trạng doanh nghiệp tự đưa khách đến khai thác các giá trị độc đáo ở các bản làng để hưởng lợi, trong khi người dân hầu như không thu được lợi nhuận gì. 

Cần phải liên kết để tạo các sản phầm du lịch chung của vùng. Đó cũng là kinh nghiệm của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ trong việc thực hiện chương trình "Du lịch về cội nguồn". Trong 4 năm cùng phối hợp chương trình này, ngành Du lịch 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ đã đón và phục vụ trên 10 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, thu hút trên 2.000 tỷ đồng đầu tư vào du lịch.  

Chương trình cũng đã giúp cộng đồng dân cư các địa phương nâng cao nhận thức về công tác giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn bản sắc văn hoá; cơ sở hạ tầng giao thông và của các điểm lễ hội, các điểm du lịch được cải thiện đồng thu hút đầu tư với qui mô lớn từ các danh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần không nhỏ vào sự tăng trường kinh tế- xã hội của các địa phương. 

Để phát triển mạnh du lịch ở khu vực Tây Bắc, theo ông Trần Văn Long- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lai Châu, trước hết, các địa phương và ngành Du lịch ở Tây Bắc phải quan tâm cùng liên kết phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ hai là quan tâm phát triển hạ tầng du lịch như: khách sạn, nhà hàng hoặc đầu tư vào các điểm tham quan thì mới tạo ra được những sản phẩm mang tính đồng bộ và hoàn chỉnh. Thứ ba là chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của hoạt động du lịch. Việc liên kết trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, xúc tiền đầu tư cũng hết sức quan trọng. 

Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới cơ chế chính sách, cơ chế quản lý để vừa phát huy nội lực, vừa thu hút đầu tư bên ngoài vào ngành Du lịch, tạo nên sức bật mới cho ngành du lịch Tây Bắc nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

Nguồn: chinhphu.vn

Cùng chuyên mục