Hành trang lữ khách

Phiên chợ 'trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh'

Cập nhật: 03/07/2009 09:07:27
Số lần đọc: 2674
Chợ có từ bao giờ không ai biết, nhưng cứ mùa lũ về là hàng chục tàu, thuyền của người Kinh hàng hóa đầy khoang lại ngược dòng sông Đà lên buôn bán, trao đổi vật phẩm với đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Mông... trên núi xuống.  
Cơm nắm ăn kèm nước phở
 
Khác với vô số chợ nổi ở các con sông, kênh rạch của vùng miệt vườn miền tây Nam Bộ, phiên chợ nổi trên sông Đà chỉ "nổi"  một lần trong năm khi mùa lũ đổ về từ tháng tư đến tháng bảy.
 Chợ Cáo là cách gọi của người Mường, có nghĩa là chợ Gạo, nằm ở bến Khủa thuộc đất Mộc Châu, Sơn La. Hai ngày cuối tuần, người đi nườm nượp như trảy hội. Thấp thoáng trên những sườn đồi núi là những người gùi ngô, lợn, dê....  xuống bán. Phiên chợ lao xao với đủ các từ lạ: ún, eng, nọng, thoong,… của đồng bào dân tộc.
 
“Đi buôn ở đây còn khó hơn buôn ở nước ngoài, phải giỏi hàng chục “ngoại ngữ”, anh Hải, buôn các mặt hàng xô, chậu, gương, lược cho biết. “Nhiều lúc nghe đồng bào nói hoa hết cả mắt, vì nhiều thứ tiếng khác nhau quá”.
 
Chị Tô Mai Lan, quê ở Hà Tây, bán thuốc Tây, nói “đồng bào mua nhiều nhất là thuốc đau bụng, và thuốc sốt rét. Nhưng loại thuốc thông thường nhất họ cũng thường không nhớ được tên thuốc và cách dùng, nên mình phải hướng dẫn rất cụ thể. Có người lần đầu tiên mua thuốc đau bụng,  phiên chợ sau đến tận nơi cảm ơn, bảo: Cái viên thuốc bé tí mà giỏi nhỉ”.
 
Chị Hà Thị Mến, dân tộc Dao vừa bán được một con gà rừng, vừa cười vừa kể lại: “Năm mươi sáu nghìn một con gà rừng, mình mua được một cái lược, với một cái cuốc… Phải năn nỉ anh bán hàng mới bán cái cuốc này với giá rẻ đấy…Còn phải mua cái lưới đánh cá cho thằng chồng nữa, nó bẫy được con gà mà”.
 
Hỏi sao không đi chợ huyện mà lại đi chợ nổi, Mến cười hiền khô, khoe hàm răng vổ: “Đi bộ ra chợ huyện lâu lắm, mỏi chân lắm. Đi chợ sông chỉ mất năm nghìn tiền đi thuyền thôi, chỉ mười lăm phút là tới nơi”.
 
Ở bên cạnh, vừa bỏ nắm cơm ra khỏi tay nải, một anh chàng người dân tộc Tày bảo: Phở thì ngon, nhưng mà một bát được ít quá, tao phải mang cơm nắm theo, không thì đói. Cơm nắm chấm với nước phở ăn cũng ngon mà”.
 
Hà bá sông Đà
 
 
Chú Hai - một chủ tàu bán buôn tại bến chợ nổi trên sông Đà ngót nghét đã chục năm lý giải thêm: "Đồng bào các dân tộc ở dọc sông Đà hoặc nằm rải rác vùng Kênh những tháng nước lũ tràn về cũng là mùa ngô thu hoạch.
 
Thời tiết mưa to gió lớn, đường đi lên và xuống núi hiểm trở. Khi lũ tràn về, nước thường lên cao ngấp nghé chân núi, tàu thuyền chở hàng hóa sẽ lên theo, khi neo đậu ở bờ lập tức vận chuyển nhanh hàng hóa lên lán”.
 
Lũ càng to, chợ càng đông vì bà con không thể đi chợ bằng đường bộ. Nước dâng lên cao đến đâu chợ nổi theo đến đó, cứ chạy dọc theo sông Đà mà họp, từ bến Khủa lên Vạn Yên đến Mường Sại, Tạ Khoa, Song Pe, Chim Vàn, Đá Đỏ, Pắc Ngà, Tà Hộc…
 
Ngày 15 hàng tháng, các tàu buôn nghỉ chợ để gom hàng hóa đã trao đổi chất lên xe tải nối đuôi nhau trên trên những con đèo dốc, ngoằn ngoèo đưa về thành phố Hòa Bình hoặc các cơ sở sản xuất ở các tỉnh thành khác.
 
Chợ Cáo gồm hơn hai mươi chiếc tàu, thuyền hàng hóa của các gia đình người Kinh từ mạn Phú Thọ, Hòa Bình...  theo con nước lũ sông Đà ngược lên.
 
Chiếc tàu chiếm vị trí kiên cố,dễ buôn bán nhất ở bến với vô số hàng hóa, biển hiệu quảng cáo trên nóc, lá cờ phấp phới trông cũng rất... rình rang là tàu buôn Long Phát. Tàu này được các chủ tàu, thuyền ở bến phong là " tàu buôn cái" bởi thâm niên bán buôn vào loại lâu nhất tại phiên chợ Cáo, nhiều vốn lắm hàng và buôn bán đắt khách nhất.
 
San sát thuyền buôn

Mái tóc bạc gần hết, dáng người to béo, môi đỏ màu trầu, bà Long chủ "tàu buôn cái" ở chợ Cáo kể chuyện với chúng tôi : " Hơn chục năm trước, chỉ có hai vợ chồng chúng tôi cùng với dăm tàu nữa từ Hòa Bình ngược sông Đà bán hàng cho các xóm lao động, đồng bào dân tộc sinh sống dọc con sông này. Năm này sang năm khác số tàu hàng neo tại bến Khủa này ngày một đông”.
 
Một thời sóng xô, đá nhảy
 
“Lúc chưa có thủy điện Hòa Bình, chỉ có những thuyền buôn nhỏ mới luồn lách được qua những bẫy đá dăng khắp nơi trên sông Đà, để đưa hàng phục vụ cho các bản làng khắp vùng Tây Bắc. "Đường lên Mường Lễ bao xa - Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh". Hồi ấy, mỗi chuyến đi mất cả tháng, thuyền đâm vào đá, bị sóng xô, bị xoáy cuốn mà chìm đắm không biết bao nhiêu mà kể",  bà Long nhớ lại.
 
Lớn lên cùng chợ.

Có tàu thuyền là một tổ ấm mới được xây như vợ chồng chị Gái. Cả hai vợ chồng đều gắn bó với dòng sông hung vĩ này từ khi mới lọt lòng, chị Gái là con của một gia đình xóm Vạn Chài, anh Chồng ở xóm Củi, cả hai xóm nhỏ đều ven sông Đà, cách Hòa Bình chừng 80km về phía thượng nguồn).
 
Vừa day day  mảng chiếu đã sờn rách vừa nhìn ra mặt sông vời vợi chị Gái nói:  “Anh nhà em nói cưới xong hai vợ chồng về thành phố  làm công nhân, nhưng em bảo mình đã sống quen trên thuyền rồi, đời bố mẹ hai bên vẫn mưu sinh bao năm giữa chòng chành nước lũ ở con sông này bằng nghề chài lưới, vớt củi.
 
Hai vợ chồng em mua thuyền, thời gian đầu nhập ít hàng khô, quần áo vào bến chợ Cáo buôn bán. Hết phiên chợ Cáo, hai vợ chồng tiếp tục dong thuyền lên mạn ngược Sơn La buôn bán, trao đổi cho đồng bào dân tộc trên đấy.”
 
Tại bến chợ Cáo cũng có những tàu là một gia đình mà nghề buôn bán trên sông được truyền từ đời này sang đời khác như tàu nhà ông Tư, quê Phú Thọ. Nhiều chủ  tàu hàng là anh em họ hàng trong cùng dòng họ với nhau, tàu này cạnh tàu kia, nhà nhà sát vách như ở làng vậy. Rằm tháng 7 là phiên chợ Cáo kết thúc, họ cùng dong thuyền về quê xum họp với gia đình.
 
Đêm rằm tháng tư, trăng sáng vằng vặc, trên bến Cáo, xen lẫn tiếng côn trùng là tiếng cười rúc rích của đám thanh niên, tiếng sáo và tiếng hò vọng lên từ một tàu hàng.
Nguồn: website báo bee.net.vn

Cùng chuyên mục