Hoạt động của ngành

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở Quảng Nam

Cập nhật: 19/06/2009 07:06:19
Số lần đọc: 2027
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào Cà Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, lâu nay sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ gia đình và hiện đang có nguy cơ mai một. Khôi phục, phát triển nghề, tạo ra sản phẩm mới gắn với phát triển du lịch là hướng đi mới trong phát triển làng nghề dệt thổ cẩm của người Cà Tu tỉnh Quảng Nam.  

Thôn Zơra, xã Tabhinh là một trong những thôn, bản của đồng bào dân tộc Cà Tu ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Không ai còn nhớ nghề dệt của họ có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng... Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm mầu. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

 

Những năm gần đây, sự giao thương giữa miền xuôi với miền ngược mở ra, người Cà Tu bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống và ăn mặc như người miền xuôi. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng từ đó mai một dần. Bà Ðinh Thị Thơm, năm nay gần 70 tuổi, ở thôn Zơra, xã Tabhinh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nói: Dệt thổ cẩm ở đây có từ lâu lắm rồi, từ đời ông đời bà truyền cho. Bà con ngày lên rẫy, tối về tranh thủ dệt để máy cái áo, khố mặc. Làm cái này đòi hỏi phải kỳ công, chịu khó. Bây giờ vải, áo quần ở dưới xuôi gửi lên nhiều lắm, bọn trẻ bây giờ cũng ít chịu mặc thổ cẩm mà ăn mặc như người dưới xuôi rồi, nên ít người theo học nghề dệt nữa.

 

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống. Một số huyện miền núi như Phước Sơn, Ðông Giang, Nam Giang... bắt đầu khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người Cà Tu. Tại huyện Nam Giang, từ năm 2001, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản tài trợ kinh phí thực hiện Dự án "Phát triển cộng đồng" tại thôn Zơra, xã Tabhinh mang lại kết quả khả quan. Những thợ dệt giỏi, tay nghề vững vàng trong làng được lập thành nhóm; tổ chức dạy nghề, đào tạo thợ mới, tham gia hội chợ, bán và giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm dệt của người Cà Tu làm ra không chỉ đơn thuần là tấm khố, áo, khăn đội đầu mà chủng loại đa dạng hơn như: túi xách, áo, tranh treo tường...

 

Với hơn 30 mẫu mã khác nhau, chủ yếu làm hàng lưu niệm cho khách du lịch. Năm 2008 đến 2012, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản tiếp tục tài trợ kinh phí thực hiện giai đoạn 2,  giúp bà con làng nghề tự quản lý và phát triển bền vững. Tuy nhiên, dự án đã vấp phải một khó khăn mang tính quyết định: đầu ra cho sản phẩm. Bởi hiện nay, thổ cẩm của người Cà Tu ở thôn Zơra chỉ mới tiêu thụ bằng hình thức ký gửi ở ba thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hội An nhưng bán được rất ít. Chị Nguyễn Thị Kim Lan, nhóm trưởng nhóm dệt thổ cẩm cườm thôn Zơra, xã Tabhinh nói: Khó khăn hiện nay là đầu ra sản phẩm. Vì vậy trong nhóm một tuần chỉ tập trung làm có ba ngày, còn ba ngày nghỉ vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ hết. Ðề nghị dự án, huyện quan tâm tìm đầu ra. Có như vậy chị em phụ nữ trong nhóm mới yên tâm gắn bó lâu dài và phát triển ổn định.

 

 Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Phạm Thị Như cho biết: "Với nguồn kinh phí 55.000 USD được Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản tài trợ trong giai đoạn 2 chỉ đủ tập trung đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ thu nhập đối với chị em tham gia dự án.  Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng tìm kiếm thị trường để tìm nơi tiêu thụ cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm của người Cà Tu còn ít người biết, vì vậy tăng cường quảng bá sản phẩm, tổ chức triển lãm tại các hội chợ, các địa phương... Mục tiêu là sau khi dự án kết thúc, nghề dệt thổ cẩm của làng Zơra tiếp tục duy trì và phát triển, phấn đấu thu nhập của mỗi chị em đạt thấp nhất 500 nghìn đồng/tháng". Hiện nay, chính quyền địa phương phối hợp với nhà tài trợ đang khẩn trương mở thêm các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm thổ cẩm Zơra ở các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng để quảng bá sản phẩm truyền thống này. Ðể làm được điều này, cái quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế, làm ra nhiều loại sản phẩm đẹp, tiện lợi  hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

 

Làng nghề dệt thổ cẩm Zơra hiện có 45 thành viên cả dệt và may tham gia dự án. Bình quân mỗi tháng bán ra thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm gồm các loại túi xách, cặp học sinh, khăn, áo, quần... Thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm không cao nhưng vì đây là nghề truyền thống nên chị em đều gắn bó. Tuy nhiên, nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì mọi người cũng sẽ bỏ nhóm về làm  nương rẫy hoặc đi kiếm việc khác.

 

Ðất Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng trống Lâm Yên, đúc đồng Phước Kiều, dệt Mã Châu, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng... Sản phẩm dệt thổ cẩm cườm truyền thống của người Cà Tu cũng khá độc đáo. Thế nhưng, các làng nghề vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch là hướng đi mới của các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam. Hy vọng cùng với các làng khác, nghề dệt thổ cẩm cườm truyền thống của đồng bào Cà Tu sẽ đứng vững và sớm vươn ra các thị trường trong và nước ngoài. Trong thời gian tới đây, trong những ngôi nhà Gươl của bản làng Cà Tu  sẽ giữ được nguyên vẹn những khung dệt thổ cẩm để làm ra những sản phẩm du lịch độc đáo, níu chân du khách ở lại vùng cao Quảng Nam.

 

 

Nguồn: website báo nhân Dân

Cùng chuyên mục