Hoạt động của ngành

Đà Nẵng tập trung bảo tồn di tích văn hóa

Cập nhật: 18/06/2009 09:06:20
Số lần đọc: 2100
Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được xem là một vùng đất mang nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa của người dân xứ Quảng. Thế nhưng, hiện nay, không ít di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận đã xuống cấp trầm trọng và không giữ được nguyên trạng như trước.

Theo thông tin mà Phòng Văn hóa-Thông tin quận Ngũ Hành Sơn cung cấp thì đình Khuê Bắc được xây dựng từ sau đời vua Thiệu Trị. Nơi đây hiện vẫn còn dấu tích của giếng làng theo mô hình giếng Chăm cổ. Năm 2001, đoàn khảo cổ Việt Nam do Giáo sư Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã khai quật di chỉ khảo cổ học tại vườn đình Khuê Bắc và phát hiện ra hàng loạt di chỉ hết sức quý giá như gốm thô, rìu đá, đá tím mài, ngói Chăm sớm (mới chỉ tìm thấy ở khu vực Trà Kiệu), bình hình trứng Chăm (tìm thấy tại Trà Kiệu và Lý Sơn - Quảng Ngãi), tiền Ngũ Thù Tây Hán, tiền Vương Mãn.

Theo kết luận của đoàn khảo sát, địa điểm vườn đình Khuê Bắc có hai tầng văn hóa sớm muộn. Trong đó, tầng trên là tầng văn hóa Chăm sớm, đã bị phá hủy nặng nề. Tầng văn hóa dưới thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí - Tiền Sa Huỳnh với tính chất di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vườn đình Khuê Bắc còn là nơi liên lạc, hội họp của cán bộ cách mạng.

 Tập trung bảo tồn di tích

Theo ông Huỳnh Bá Dương, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn thì “Đình làng Khuê Bắc may mắn là còn giữ lại phần nào dáng vẻ và kiến trúc cổ xưa, chứ một số di tích văn hóa, lịch sử khác có khi đã bị tàn phá, hủy hoại hoàn toàn và không thể trùng tu, phục hồi như cũ, chỉ có thể xây mới lại. Mà kiến trúc khi xây mới chỉ dựa vào trí nhớ và trí tưởng tượng của người dân địa phương mà thôi”.
 
Ông Huỳnh Bá Dương cho biết, hiện nay, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có một số di tích văn hóa đang rất cần trùng tu, tôn tạo như: Lăng Ông, Miếu Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải), Đình Khái Tây (phường Hòa Quý)... Một số di tích văn hóa của quận Ngũ Hành Sơn hiện nằm trong các vùng quy hoạch dự án, do vậy, chính quyền quận đã đề xuất giữ nguyên hiện trạng của di tích hoặc phải lựa chọn vị trí thật sự phù hợp để việc tôn tạo di tích không đánh mất các giá trị, yếu tố vốn có cũng như các điều kiện văn hóa, xã hội mà di tích tồn tại.

Theo ông Huỳnh Bá Dương, việc trùng tu, tôn tạo những di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận còn gặp nhiều trở ngại. Trong đó, khó khăn chính là do một số di tích đã bị phá hủy hoàn toàn, phải đầu tư nhiều công sức, tiền của để khôi phục. Nhưng kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo lại có hạn, một số di tích vẫn nằm chờ để được cấp tiền xây mới hoặc tôn tạo lại.

Thêm vào đó, thời gian, điều kiện thời tiết và cả sự tác động của bàn tay con người cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Vừa qua, việc UBND thành phố phê duyệt quy hoạch Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn với tổng diện tích 138,9 ha, bao trùm cả khu danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn và một số vùng phụ cận là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy thành phố đã chú trọng đến việc nâng cao vị thế văn hóa, lịch sử của vùng đất Ngũ Hành Sơn. Và rõ ràng, việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử tại đây là nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu nếu muốn tạo lập một công viên văn hóa lịch sử đúng nghĩa.

Giữ lại những di tích văn hóa của dân tộc là thế mạnh để thành phố Đà Nẵng thu hút du khách trong và ngoài nước; đồng thời, để các thế hệ tiếp nối hiểu và thêm quý trọng những giá trị, những bản sắc văn hóa truyền thống từ bao đời cha ông ta tạo dựng.

 

 

Nguồn: website báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục