Hoạt động của ngành

Di sản văn hóa ở khu du lịch Tam Đảo

Cập nhật: 25/05/2009 09:05:42
Số lần đọc: 2340
Từ lâu, khi nói đến Tam Đảo là người ta thường nhớ tới một khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng ở miền Bắc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Phía sau “hòn ngọc sơn” ấy của nước Nam còn có nhiều di tích cách mạng gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Cuộc hội thảo “Tam Đảo-di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức mới đây như một “động thái” góp phần “đánh thức” nhiều di sản văn hóa ở Tam Đảo đã từng bị... “ngủ quên”.

 

Tam Đảo có nhiều di tích cách mạng

Được thực dân Pháp khám phá và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX, Tam Đảo trở thành một khu nghỉ dưỡng, vui chơi và giải trí của các quan chức thực dân. Sau cuộc đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đã thiết lập ở đây một đồn binh nhằm khống chế khu giải phóng Việt Bắc và bảo vệ trung tâm Hà Nội. Sau một thời gian nắm bắt tình hình, ngày 16-7-1945, Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái đã bất ngờ đánh đồn phát xít Nhật ở khu nghỉ mát Tam Đảo, bắt sống toàn bộ quân địch tại đây. Viết về sự kiện này, Báo Quân Giải phóng ngày 5-8-1945 bình luận: “Tam Đảo! Hai chữ Tam Đảo sẽ lưu truyền đời đời trong lịch sử cách mạng giải phóng của ta”! Chiến thắng Tam Đảo đã góp phần bảo vệ vững chắc Khu giải phóng và thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Sau chiến dịch biên giới Thu-Đông 1950, Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo, tấn công quân Pháp ở vùng trung du và một số hướng khác. Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chuyển từ Đại Từ (Thái Nguyên) đến khu nhà Toàn quyền Pháp ở Đông Dương được xây dựng ở khu nghỉ mát Tam Đảo. Từ ngày 25-12-1950, Đại tướng đã làm việc tại đây đến ngày 15-1-1951 trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.

Sinh thời, Bác Hồ đã hai lần lên Tam Đảo vào ngày 19-5-1955 và ngày 15-7-1963. Những sự kiện này là dấu ấn quan trọng đối với khu nghỉ mát Tam Đảo nói riêng và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nói chung.

Ngoài ra, khu nghỉ mát Tam Đảo còn có hệ thống hầm chỉ huy kiên cố của Bộ Chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện nay đã xác định được 5 hầm vừa là nơi làm việc thuận lợi, vừa là nơi trú ẩn an toàn của một số đồng chí lãnh đạo Đảng trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc.

“Đánh thức” di sản văn hóa bị... ngủ quên

Các sự kiện nêu trên diễn ra ở Tam Đảo đều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ sau, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các di tích cách mạng này bị “ngủ quên”. Di tích đồn binh Nhật gắn với trận thắng của Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái đang bị bỏ hoang. Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ còn lại nền móng là một phần ngôi dinh thự của viên Toàn quyền Pháp. Hai ngôi nhà Bác Hồ từng ở khu nghỉ mát Tam Đảo hiện nay đều không còn. Hệ thống hầm chỉ huy của Bộ Chính trị cũng chỗ thì rác thải lấp đầy, chỗ thì cửa hầm đã xây kín mít. Trong khi đó, các tài liệu, hiện vật, hình ảnh... liên quan đến các sự kiện này còn rất hạn chế và các di tích chưa lập hồ sơ khoa học và chưa được xếp hạng tương xứng với giá trị của sự kiện.

Bác Đào Xuân Trường, 93 tuổi, đại biểu tham gia hội thảo có tuổi đời cao nhất, vừa là nhân chứng lịch sử bày tỏ: “Tưởng nhớ, tri ân các thế hệ đi trước có công với nước, với dân và các lãnh tụ, danh nhân từng lưu dấu ấn ở khu nghỉ mát Tam Đảo là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Vì vậy, tôi đề nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt các điểm di tích hiện có, đồng thời sớm triển khai xây dựng, đầu tư bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích kháng chiến ở đây để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu”.

Từ góc độ của nhà khoa học, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Muốn biến khu nghỉ mát Tam Đảo trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc, cần phải hạn chế việc “ưu tiên” phát triển khách sạn, nhà nghỉ đang có xu hướng gia tăng ở đây để “trả lại” địa điểm các di tích cách mạng bị xâm hại”.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: “Tam Đảo là một trong số ít nơi có điều kiện khí hậu lý tưởng và thắng cảnh du lịch đẹp nhất ở nước ta. Tam Đảo hội tụ nhiều giá trị đặc sắc như cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, hệ sinh thái đa dạng, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo. Để Tam Đảo trở thành “linh hồn” của du lịch Vĩnh Phúc, cần phải biết gắn kết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử cách mạng và bảo vệ cảnh quan môi trường”.

Tiếp thu và đánh giá cao ý kiến tham luận của các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, nhà quản lý văn hóa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Trường Kỳ cho biết: “Ngay sau hội thảo này, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương sớm triển khai xây dựng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích cách mạng, kháng chiến ở thị trấn Tam Đảo gắn với phát triển du lịch của địa phương”. Tới đây, tỉnh sẽ chú trọng xây dựng các loại hình du lịch đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hoài niệm, du lịch tín ngưỡng tâm linh để biến Tam Đảo thành một “thiên đường du lịch” ở miền Bắc”.

 

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục