Hành trang lữ khách

Đến A Lưới tham dự Lễ hội cầu mùa AzaKoonh

Cập nhật: 14/05/2009 09:05:29
Số lần đọc: 2630
Theo Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên- Huế, vào các ngày 16 đến 18/5/2009, tại huyện miền núi A Lưới sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa- Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi lần thứ III- 2009. Một trong những hoạt động nổi bật mang đậm nét văn hóa của đồng bào miền núi trong ngày hội là Lễ cầu mùa AzaKoonh và tục đâm trâu của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.

Trên đường đi theo quốc lộ 49 đến A Lưới, khách sẽ vượt qua đèo A Co và hồ A Co. Dừng chân tại đây, giữa rừng thông xanh ngút ngàn, du khách có thể cắm trại, píc-níc. Du khách có thể làm quen với các học sinh hay bà con người dân tộc miền núi để trò chuyện, tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa hay các phong tục tập quán của người dân địa phương. Thả hồn theo tiếng thông reo vi vút, khách sẽ có cảm giác tự tại, an nhiên khi chiêm ngưỡng thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú. Vượt dốc A5, đi xa hơn về A Roàng là suối nước nóng - một địa điểm trọng tâm trong các tour du lịch sinh thái của địa phương. Cách suối nước nóng không xa là thác nước A Nôr hùng vĩ. Hiện nay, điểm du lịch sinh thái này đã thu hút khá đông du khách trong nước và ngoài nước đến thưởng ngoạn.

Rời suối nước nóng, khách đến trung tâm thị trấn A Lưới. Tại đây, khách có thể tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của người dân trong các nhà rông. Những ngôi nhà này dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, họp bàn chuyện hệ trọng, trưng bày hiện vật quý giá... Đặc biệt, thị trấn có một ngôi nhà sàn quy mô, thể hiện tinh thần đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng. Khách có thể đặt phòng ngủ tại đây với giá khoảng từ 50.000 đồng/ khách (ngày thường).

Nếu đến A Lưới kịp 18/5, khách sẽ có dịp tham dự Lễ hội AzaKoonh. Tuy được gọi là lễ Cầu mùa lớn nhưng lễ hội này còn chứa đựng nhiều nội dung khác nhau như cầu xin cho dân làng được sống yên vui, đoàn kết tập trung khá đầy đủ các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa, hội họa mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương.

Trong không khí tưng bừng của lễ hội, khách sẽ được say với những chén rượu đoác nồng nàn, những món ăn đặc trưng nhất của cư dân bản địa, được thả hồn phiêu linh theo những tiếng hú của cả cộng đồng và ngất ngây theo điệu nhảy của những nam thanh nữ tú người dân tộc Tà Ôi trong những bộ trang phục thổ cẩm đẹp đến mê người. Hơn tất cả là cảm giác hồi hộp xen lẫn ngạc nhiên, háo hức khi lễ đâm trâu, đâm dê chính thức được bắt đầu.

Nhiều du khách thích chọn bản A Hưa (thuộc huyện A Lưới) làm điểm dừng chân, bởi nơi đây có nhiều gia đình biết làm du lịch (homestay), đồng thời A Hưa còn nổi tiếng về nghề dệt dzèng (một loại thổ cẩm) với nét độc đáo là trực tiếp chèn hạt cườm vào vải. Buổi tối tại A Hưa, khách có thể đề nghị người dân tổ chức buổi giao lưu ca nhạc với rượu cần thịt nướng. Đồng bào người Tà Ôi ở đây rất hiếu khách, dù bạn là người lạ, họ vẫn sẵn sàng mời vào nhà, đãi thịt trâu xông khói và rượu đoác, thưởng thức xôi nếp và gà nướng trong ống lồ ô, cháo thập cẩm Ấrrong, món trộn Pârruk, bánh sừng (aquat). Tại bản, khách có thể mua những tấm dzèng có giá từ 400.000- 1.200.000 đồng/ chiếc. A lưới còn nhiều sản phẩm đặc trưng khác để bạn mua về làm quà như khèn, nhạc cụ, gùi cõng, đồ trang sức các loại.

Khách có thể thuê người địa phương hướng dẫn thăm đồi Thịt Băm- nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và Mỹ năm 1969. Sau đó làm một chuyến điền dã thăm các ruộng rau sạch của bà con bên suối.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục