Hoạt động của ngành

Yên Sơn (Tuyên Quang) xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan

Cập nhật: 24/03/2009 14:03:41
Số lần đọc: 1961
Huyện Yên Sơn đang triển khai xây dựng Làng Văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Cao Lan ở thôn 15, xã Kim Phú. Đây không chỉ là tin vui đối với bà con thôn 15 và nhân dân xã Kim Phú mà còn góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện.

Việc đầu tư phát triển có hiệu quả mô hình làng văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Cao Lan sẽ là tiền đề để huyện nhân rộng các làng văn hoá mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc trên địa bàn huyện.

 

Ông Lâm Đại Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết: Thôn 15 có 84 hộ, 370 nhân khẩu đều là người dân tộc Cao Lan. Trong những năm qua, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được những nét văn hoá riêng đặc sắc của dân tộc mình. Thôn còn 54 hộ có nhà sàn, chiếm 64% tổng số hộ. 100% dân số đều nói được tiếng Cao Lan, trong đó có 14 người biết chữ Nho và có 40 người hát được các làn điệu Sình ca Cao Lan. Nhiều loại nhạc cụ dân tộc như chũm choẹ, trống sành, thanh la phục vụ trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của người dân tộc Cao Lan vẫn được bà con lưu giữ và sử dụng.


Ông Hoàng Liên Sơn, trưởng thôn 15 cho biết: Biết thôn được chọn để xây dựng làng văn hoá, bà con rất phấn khởi. Trong những năm qua, bà con trong thôn luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Nhiều năm, thôn không có người mắc các tệ nạn xã hội, không có người sinh con thứ 3. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường đi học. Đầu năm 2008, thôn có 6 hộ nghèo. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể thôn, đến cuối năm đã giảm được 2 hộ nghèo. Bình quân thu nhập của người dân đạt 350.000 đồng/người/tháng. Hàng năm, thôn có trên 70% số hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hoá. Từ trước đến nay, trẻ em trong thôn đều phải đi học nhờ tại các lớp mầm non của thôn khác. Năm 2008, thôn đã huy động sự đóng góp của nhân dân, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đầu tư làm nhà cộng đồng. Đầu năm 2009, công trình đã hoàn thành, đây vừa là nơi sinh hoạt của bà con trong thôn, vừa là lớp học mầm non cho các em nhỏ. Các đoàn thể thôn đều hoạt động có hiệu quả, tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động bà con bỏ dần những tập quán lạc hậu, làm chuồng gia súc xa nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm trong việc tổ chức đám hiếu, đám hỉ.


Ông La Kim Đoàn, 71 tuổi nói, ông là người cao tuổi, sống lâu năm ở thôn, biết thôn được huyện chọn để xây dựng làng văn hoá ông thấy rất vui mừng. Ông là một trong nhiều người của thôn dịch những câu hát Sình ca sang tiếng phổ thông để dạy cho thế hệ trẻ. Dựa trên điệu Sình ca cổ, ông sáng tác lời mới để ca ngợi quê hương đổi mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Ông thấy mừng vì hiện nay những nếp nhà sàn, tiếng nói, trang phục của người Cao Lan vẫn được bà con trong thôn lưu giữ và phát huy.

 

Cùng với việc xây dựng làng văn hoá, trên địa bàn thôn 15 còn có di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Đình làng Giếng Tanh. Vào tháng giêng âm lịch hằng năm, Lễ hội Đình làng Giếng Tanh được tổ chức đã thu hút hàng nghìn khách thập phương đến dự, hứa hẹn về một điểm văn hoá - du lịch hấp dẫn của huyện.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục