Non nước Việt Nam

Thạch Kinh chùa Nhất trụ - Bảo vật quốc gia đầu tiên ở Ninh Bình

Cập nhật: 31/10/2018 10:15:34
Số lần đọc: 1145
Là hiện vật đầu tiên tại Ninh Bình được công nhận là bảo vật quốc gia, Cột kinh Phật bằng đá tại chùa Nhất Trụ, là hiện vật độc đáo mang nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa và ý nghĩa lịch sử.


Cột kinh Phật bằng đá tại chùa Nhất Trụ. Ảnh: Duy Hán

Chùa Nhất Trụ nằm trên địa bàn thôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư. Chùa cách Đền thờ vua Lê Đại Hành về phía Bắc khoảng 100m, được xây dựng từ thời Tiền Lê.

Theo niên đại ghi trên hiện vật, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995 để cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh. Cột kinh Phật này có cấu tạo độc đáo, với nhiều họa tiết trang trí tinh tế thể hiện tinh hoa nghệ thuật chạm khắc chữ trên đá của cha ông ta từ thuở xa xưa.

Cột kinh Phật có giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, là tư liệu vật chất minh chứng cho sự thịnh trị của đạo Phật ở Việt Nam vào thế kỷ X... Trong những năm qua,  Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cùng các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng chục cột kinh Phật nằm dưới đáy sông Hoàng Long và lòng đất Hoa Lư. Một số thạch kinh được chuyển về bảo quản trong kho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Những cột kinh này được làm bằng đá xanh, bao gồm 6 bộ phận: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt, đế trên, chóp. Thân cột có khắc những chữ Hán được cho là văn tự kinh Phật Hán Nôm.

Cột kinh chùa Nhất Trụ có kích thước lớn hơn nhiều so với các cột kinh được tìm thấy, với chiều cao 4.16m, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các ngõng, bao gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Theo các nhà khảo cổ, cánh sen ở cột kinh chùa Nhất Trụ được cho là những cánh sen xuất hiện sớm ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật. Bởi vì các hình thức trang trí cánh sen trong kiến trúc nhà Lý – Trần về sau này đều bắt nguồn từ đó.

Điều đặc biệt là tất cả các bộ phận của cột kinh đều gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính, nhưng rất vững chắc dù đã trải qua ngàn năm. Trọng lượng cột kinh khoảng 4,5 tấn. Trên tám mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ, nhưng nửa dưới thân cột không còn chữ, chỉ có nửa trên là còn chữ, song cũng không đầy đủ, có chỗ bị mờ khó đọc.

Xưa kia, cột kinh được đặt ngoài trời, nhưng những năm gần đây để bảo vệ cột kinh Phật dưới tác động của thời tiết, chính quyền và các cơ quan chức năng đã dựng một nhà kiên cố với các cột gỗ lim và lợp mái ngói âm dương, kiến trúc kiểu mái cong.

Trong số những di vật và kiến trúc còn sót lại trong khu vực cố đô Hoa Lư chỉ còn lại cột kinh Phậtbằng đá ở chùa Nhất Trụ là di vật cổ nhất còn lại nguyên vẹn. Thạch kinh chùa Nhất Trụ – cây cột kinh bằng đá không chỉ là minh chứng cho một nền nghệ thuật điêu khắc đá sống động, mà còn là hiện thân cho một giai đoạn lịch sử, của một dòng chảy văn hóa đến ngàn đời. Với những giá trị to lớn của mình, tháng 12/2015 cột kinh đá chùa Nhất Trụ đã được công nhận là bảo vật quốc gia./.

Nguyễn Thủy (Tổng hợp)

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT