Non nước Việt Nam

Bánh tét xứ dừa, Bến Tre

Cập nhật: 19/01/2009 16:07:11
Số lần đọc: 3797
Ngày xưa bánh tét chỉ gói vào dịp tết để cúng ông bà tổ tiên, nhớ về cội nguồn, nhắc nhở công lao khó nhọc của nghề nông vất vả.

Bánh tét có đặc tính dễ bảo quản, có thể đem theo bên mình những lúc đi xa, có thể để dành khi giặc giã bằng cách giấu trong lu, trong giếng nước, ém xuống mương vườn mười ngày nửa tháng vớt lên ăn vẫn ngon như thường. Ngày nay, mặc cho mì ăn liền, cơm sấy « làm mưa làm gió », bánh tét vẫn ung dung góp mặt suốt bốn mùa.

 

Ở Nam bộ có nhiều loại bánh tét, như vùng Bình Dương, Tây Ninh có bánh tét trộn đậu phộng luộc; Đồng Nai có bánh tét hột điều; Sóc Trăng có bánh tét cốm dẹp; Tiền Giang có bánh tét nếp than; Sài Gòn có bánh tét nhân thập cẩm (ngoài đậu xanh còn có trứng, tôm khô, lạp xưởng, hột sen...); Ba Tri (Bến Tre) có bánh tét bắp non cũng rất hấp dẫn.

 

Phụ nữ xứ dừa đã vận dụng một cách tinh tế, khéo léo và hợp lý những sản vật, nguyên liệu sẵn có để chế biến thành những món ăn độc đáo, mang hương vị riêng, trở thành đặc sản của quê dừa. Bánh tét trở thành hàng hóa được bán quanh năm ở các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh.

 

Bánh tét Bến Tre có đặc điểm gạo nếp thường được xào nước cốt dừa. Bánh có nhiều loại như bánh tét mặn người ta để nhân đậu xanh, thịt mỡ hay ba rọi, ăn với củ cải trắng, đỏ ngâm nước mắm đường (một dạng dưa góp) rất ngon. Bánh tét ngọt có loại nhân chuối, có loại trộn đậu đỏ, đậu đen. Một trong những món ăn quen thuộc nhưng không kém phần độc đáo là món bánh tét chữ được làm bởi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đảm đang. Nét độc đáo của loại bánh này là khi cắt bánh từng khoanh xếp liền kề nhau sẽ hiện thành chữ Phước, Lộc, Thọ, chữ Vạn, chữ May hay chữ Phúc ở giữa, tùy sự gửi gắm tình cảm của người gói bánh.

 

Bánh tét được gói với nhiều kích cỡ, loại bé nhất chỉ bằng ngón tay út buộc thành từng chục, rất xinh xắn, dễ thương, ngắm trước ăn sau. Loại trung bình bằng cổ tay dành cho người dùng vừa đủ một bữa điểm tâm. Loại lớn đường kính gần cả tấc, dài khoảng ba tấc thường để làm quà biếu cho trang trọng vừa để khẳng định tay nghề gói bánh «bự» mà không bị «nín» (nín có nghĩa là còn có chỗ chưa chín) mới là cao thủ.

 

Bánh tét có nhân chữ bên trong là một nghệ thuật đạt tới một trình độ văn hóa rất cao mà không phải ai cũng làm được. Ngoài cái tài khéo của người làm bánh, người được tặng bánh còn nhận được cả một giá trị văn hóa ở những lời chúc mừng. Có thể coi đây là một kiểu trang trí độc đáo ở xứ dừa Bến Tre, không thua kém gì cách dùng kem tạo nên chữ chúc mừng sinh nhật hay các hình thức trang trí trên bề mặt của những chiếc bánh ga - tô trong văn minh ăn uống của Tây phương. Tiếc rằng truyền thống văn hóa này có nguy cơ bị quên lãng vì không còn mấy người biết cách làm loại bánh này. Thiết nghĩ chúng ta cần có biện pháp để giữ gìn cách làm này vì nó là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Nam bộ nói chung và xứ dừa nói riêng.

 

Năm sắp hết, bất cứ ai cũng không thể quên được kỷ niệm thuở ấu thơ vào những chiều 30 trong cái se lạnh của tàn đông, lũ trẻ quây quần bên bếp lửa, chuyện trò ấm áp, vừa chụm lửa «lập công» để chờ đợi nồi bánh chín, để được ăn những cái bánh «đầu thừa đuôi thẹo» có khi chỉ lớn hơn ngón chân cái. Vậy thôi mà đâu dễ gì quên.

 

Chẳng hiểu sao bánh dừa bánh ú thường được buộc thành xâu, thành chùm, thành từng chục... mà bánh tét lại được buộc thành đôi. Có lẽ không chỉ đơn giản là chỉ để treo lên hay còn một ý nghĩa nào khác chẳng hạn người xưa muốn nói rằng trong đời ai cũng cần có đôi có bạn. Ai muốn gửi một lời tỏ tình hay một lời chúc lành năm mới, hãy gửi một nhành mai kèm với đôi đòn bánh tét chữ đến người thân yêu.

Nguồn: website Bến Tre

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT