Non nước Việt Nam

Lễ hội đập trống của dân tộc Ma Coong (Quảng Bình)

Cập nhật: 16/12/2008 13:12:27
Số lần đọc: 1891
Lễ hội đập trống của người dân tộc Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đã được Bộ Văn hóa - thông tin đưa vào danh sách chín lễ hội dân gian quốc gia được phục hồi từ năm 2007.

Vào sáng ngày rằm tháng Giêng, người dân từ các bản gần, xa lũ lượt kéo nhau về bản Cà Roòng dự lễ hội đập trống. Trên khoảnh sân rộng nhất của bản Cà Roòng, dưới tán cây cổ thụ đã sống trên bốn trăm năm tuổi, người làng xúm tay dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Đêm buông xuống. Công việc chuẩn bị đã xong, mọi người tụm năm tụm ba chờ trăng lên.


Khi trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, đồ vật cúng được mang ra sắp đặt. Đó là rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, xôi, một ít lúa gạo... Khi trăng lên ngửa đầu là lúc vào giờ khai lễ. Già làng Đinh Cửu đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.


Đó cũng là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên từ tay đánh của một trong các thành viên chủ lễ. Lúc khoan thai, lúc thúc dồn dập tiếng trống cứ thế vang động cả núi rừng thăm thẳm. Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiêng. Men rượu nồng say bốc lên, những thanh niên khoẻ mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực.


Cánh thanh niên thường tìm ra người khoẻ mạnh nhất để đánh trống. Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, có vậy trời đất mới chứng giám cho lòng thành của người Ma Coong, trong năm mới mới được mùa màng. Trống thủng càng sớm, cánh thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự. Vừa đánh trống, lũ thanh niên vừa la vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi).


Già làng Đinh Cửu kể: “Sau này trống là của người Ma Coong mình, nhưng trước đó xa xưa lắm thì trống là của khỉ. Hằng năm, người dân bản làm lụng vất vả mới chờ được hạt thóc chín, vậy mà khỉ cứ chờ đến lúc đó là đem trống ra đánh. Bao nhiêu hạt thóc theo tiếng trống của khỉ chạy vô rừng hết. Con người mới tìm cách lấy được trống của khỉ và lễ hội đập trống gọi lúa về của người ma Coong sinh ra”.


Đêm hội này còn được gọi là đêm “thả cửa”. Nghĩa là mọi người, không kể lạ quen, người bản này bản kia, tất cả đều được dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Khi mặt trống bị đánh vỡ, một cảnh tượng tôi chưa từng thấy đã diễn ra: hàng chục thanh niên nam nữ, không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch, mà cả người nước bạn Lào ở các bản lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng sâu đầy ánh trăng rằm. Khoảnh sân rộng đột ngột thưa người. Chỉ còn những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.

Nguồn: Website mangdulich.com

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT