Non nước Việt Nam

Gốm nung xóm Gọ (Bình Thuận)

Cập nhật: 21/11/2008 08:50:02
Số lần đọc: 2766
Ưu thế trời cho của Xóm Gọ chính là nguồn nguyên liệu đất sét trời cho để tạo ra gốm, đời này nối đời kia tạo ra những sản phẩm gốm nung làm đẹp cho cuộc sống

Hai miền đất bốn mùa nắng gió Ninh Thuận và Bình Thuận được biết đến  bởi hai làng gốm. Đó là làng gốm Bàu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận) và xóm Gọ. Xóm Gọ còn gọi là xóm Nồi, tiếng Chăm là Play Gok, tức làng Chăm Trì Đức, xã Phan Hiệp, Phan Điền, Bình Thuận. Mọi người vẫn quen gọi đây là gốm Bắc Bình (Bắc Bình là tên huyện cũ - nơi xóm Gọ tọa lạc - thời Ninh Thuận và Bình Thuận còn được gọi chung là tỉnh Thuận Hải).   Xóm Gọ khuất sau con lộ lao xao xe cộ, những con đường vào xóm nhỏ và  nếu không  có người chỉ đường, chưa chắc bạn có thể tìm ra địa chỉ gốm lừng danh đó. Hiện nơi đây còn là điểm du lịch làng nghề đầy hấp dẫn của du lịch Bình Thuận.

Mọi người bảo Xóm Gọ làm gốm dễ chừng đã nghìn năm. Đời này nối tiếp đời kia, những người con gái nhồi đất, còn đàn ông thì đi lấy đất, nhào trộn. Đất lấy cách đó khá xa, tận Xuân Quang. Đất sét ở đây không cần sàng sẩy, chỉ cần đập nhuyễn ra, khi trộn với nước là biến thành một màu đỏ hồng. Gốm chưa nung lửa đã có màu đẹp.  Ưu thế của Xóm Gọ chính là nguồn nguyên liệu đất sét để đời này nối đời kia tạo ra những sản phẩm gốm nung làm đẹp cho cuộc sống.

Nghề làm gốm ở Xóm Gọ mang tính “gia truyền”, con cái học từ cha mẹ. Ban đầu là các sản  phẩm nồi, trã, trách, dụ, khạp, lu, chậu, mái, hỏa lò, khuôn bánh căn, ống nhổ trầu... Thời gian gần đây là các sản phẩm mỹ nghệ theo hơi thở của thị trường. Trước sân, sau hè nhà của mỗi gia đình ở Xóm Gọ, cũng rộn ràng làm gốm. Đất sét đem về trộn lên, bàn xoay đơn giản là một bàn gỗ nhỏ, người làm gốm cứ “xoay mình” theo sản phẩm chứ không như cách làm gốm ở Bình Dương hay nhiều nơi khác.

Gốm làm xong, được thoa lên một lớp nước đất sét gọi là “ thổ hoàng” để màu gốm sau khi nung đẹp lên. Gốm làm xong, tất cả tập trung ở bãi đất trống cạnh làng, nung gốm theo kiểu truyền thống của người Chăm. Đó là gốm sau khi phơi nắng cho khô, chất trên bãi đất, rồi bỏ rơm rạ, củi bọc quanh  theo từng lớp gốm xen lớp củi , nổi lửa đốt lên để qua đêm cho lửa tự tàn đi.

Việc nung gốm ở Xóm Gọ cũng rất tập thể, đó là gốm của ai thì đánh ký hiệu trên sản phẩm nung chung, sau khi lửa tắt, gốm nguội thì của ai nấy đem về.

Gốm Chăm xóm Gọ ngoài việc nhờ nguồn đất sét tốt, còn do cách đốt theo kiểu ủ lửa kia đã tạo ra màu gốm có nơi lấm tấm vết đen rất độc đáo. Những vết đen loang lổ nhưng rất thẩm mỹ ấy là do khi gốm còn nóng, người ta rảy lên mặt gốm một loại nước chế bằng quả dông, quả thị.

Trước sự phát triển của cuộc sống và nhu cầu tiêu thụ gốm trang trí, rất nhiều họa sĩ đã đến Xóm Gọ, tạo dáng gốm, đặt hàng. Sau đó, những sản phẩm đặt hàng ấy đã trở thành sản phẩm gốm Gọ như các bình Mẹ bồng con, bình trang trí hoa văn, các tượng Chăm  hoặc nhiều loại hình sản phẩm khác. Trong các cuộc trưng bày tại các Hội chợ, gốm Gọ bán rất chạy, thường thì các nghệ nhân đến tận nơi biểu diễn luôn cách tạo gốm.

Gốm Gọ đã thoát ra khỏi không gian chật hẹp của mình, đã có rất nhiều sản phẩm chiếm giữ vị trí trang trọng tại các  nước do bước chân du khách mang đi. Vào năm 1996, có 3 người phụ nữ làm gốm ở xóm Gọ được mời sang Nhật để giới thiệu nghề làm gốm.  Đầu năm 2005, có 1.500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ gốm Chăm được Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Vichamco khai trương văn phòng giới thiệu sản phẩm tại thành phố Phan Thiết. Bên cạnh đó, thêm 1.000 sản phẩm khác đã có mặt tại Tp.HCM tham gia Hội chợ  2005.

Nguồn: Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT