Non nước Việt Nam

Ẩm thực phố núi, Đà Lạt

Cập nhật: 19/11/2008 15:56:56
Số lần đọc: 2235
Từ khi mới thành lập, Đà Lạt đón nhận nhiều lưu dân xứ Huế, xứ Quảng đến cộng cư cùng dân bản địa. Sau năm 1975, Đà Lạt tiếp nhận thêm đồng bào ngoài Bắc đến định cư lập nghiệp. Cho nên, tới đây, du khách dễ gặp những món ăn mang phong vị miền Bắc, miền Trung như bún bò, mì Quảng, phở, bún riêu. Ở xứ lạnh nên các món ăn này rất phù hợp vì vừa nóng vừa cay, ăn phải hít hà, chảy cả nước mắt nước mũi.

Sáng sớm, đi loanh quanh các con dốc cao dốc thấp, qua các hẻm hóc ngoằn ngoèo, tình cờ bắt gặp quán nhỏ nằm sâu hút với tấm bảng đơn sơ: Bánh đa cua. Ghé vào. Tô thức ăn bốc hơi nóng dọn ra. Chiếm một góc nửa mặt tô là miếng riêu cua bên cạnh mấy lát cà chua xẻ tư đỏ màu mặt trời, cùng vài miếng đậu hũ chiên vàng... Gắp bắp chuối, rau muống, bắp cải xắt nhỏ và giá sống từ dĩa rau bên cạnh cho vào tô. Chan chút nước mắm, mắm tôm, nặn miếng chanh, giằm trái ớt, trộn đều. Bấy giờ mới thấy những sợi bánh đa xắt to bản “trồi” lên mặt tô. Gắp và ăn, bánh đa cua nóng hổi như xua tan cái lạnh giá do những cơn mưa nhỏ rứt như bụi của Đà Lạt lúc tràn ngập không gian và lạnh thấu xương.

Tuy không phải là chính gốc, nhưng bánh căn cũng được người Đà Lạt ưa chuộng. Giống như bánh khọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, bánh căn có khuôn bánh rất bự, nên một lúc đổ được nhiều bánh hình tròn trong khuôn. Bột cho vào lỗ tròn ấy không cần thoa dầu mỡ như khi đổ bánh khọt. Mặt bánh được quét lớp mỡ hành hoặc trứng. Gọi “căn” là do khi bánh chín người ta chồng úp cái này lên cái nọ. Bánh dọn ra bàn cho khách chỉ có duy nhất hơn nửa chén mỡ hành. Cứ gắp hai chiếc bánh úp vào nhau chấm ngập vào mỡ hành rồi cho lên miệng thưởng thức. Bột gạo nóng hổi. Mỡ hành len lỏi khắp chân răng. Càng nhai càng nghe tinh bột ngọt lừ thẩm thấu qua đốc họng. Cái lạnh của xứ sương mù như tan biến đâu mất tự hồi nào. Quê gốc của bánh căn là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Ở các địa phương này, người ta chấm bánh trong chén nước mắm pha loãng có tỏi, ớt... hoặc nước cá kho, có khi thêm xíu mại hoặc mỡ hành để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng.

Bún bò, mì Quảng, phở, bún riêu, bánh đa cua, bánh căn là những “kẻ nhập cư”. Đà Lạt còn có một đặc sản hấp dẫn tới bất ngờ: bánh tráng nướng mỡ hành. Trên bếp than đỏ rực, người ta nướng chiếc bánh tráng mỏng. Bánh vừa se mình thì nhanh tay quết mỡ hành đều khắp mặt bánh. Sau đó cho thêm lớp trứng đánh nhuyễn (hoặc trứng cút, thịt bò băm) lên. Nướng đến khi bánh chín vàng, hơi cong mình thì chan lớp tương ớt quanh mặt bánh, xếp bánh làm đôi, cho ra dĩa. Bẻ góc bánh, không chấm gì cả, nhai, bánh vỡ giòn cùng mùi thơm của gia vị và thực phẩm hòa quyện chân răng. Càng ăn càng “bắt ngây”. Dù mới xuất hiện vài năm nay ở Đà Lạt nhưng bánh bán phổ biến nhiều nơi, lúc nào cũng đông khách, lắm khi phục vụ không kịp. Đâu chỉ khách “ta”, khách “Tây” cũng khoái món ăn lạ miệng này và họ gọi nó là “Pizza Đà Lạt” một cách ấn tượng.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT