Non nước Việt Nam

Đình Đồng Văn (Bắc Ninh) và lễ hội truyền thống

Cập nhật: 29/10/2008 08:10:01
Số lần đọc: 2616
Thôn Đồng Văn, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành là một làng cổ có bề dày lịch sử, văn hiến. Trải bao thăng trầm lịch sử, thôn Đồng Văn vẫn bảo lưu được quần thể di tích đình, chùa cổ kính thâm nghiêm. Trong hệ thống di tích của Đồng Văn, ngôi đình làng đã phản ánh bề dày lịch sử và những nét văn hiến tiêu biểu nơi đây.

Đình Đồng Văn vốn được xây dựng chạm khắc đẹp vào thời Lê Trung Hưng và dấu ấn còn để lại ở những mảng chạm khắc tứ linh hình “phượng vũ” trong hậu cung đình. Đến thời Nguyễn được trùng tu với quy mô lớn và còn giữ được khá nguyên vẹn đến ngày nay. Hiện nay đình Đồng Văn là công trình kiến trúc thời Lê-Nguyễn còn bảo lưu được. Đó là tòa đại đình kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế 5 gian 2 dĩ, Hậu cung 3 gian, bộ khung gỗ lim chạm khắc “tứ linh tứ quý” lộng lẫy, tinh xảo, nghệ thuật. Tại tòa Tiền tế trên các bộ phận vì nóc, con rường, cốn, đầu dư, đều được chạm khắc với các đề tài như: “long cuốn thủy”, “phượng vũ”, “quy đồ thư”, “long vân đại hội” và còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến nay.

 

Bên cạnh giá trị về kiến trúc điêu khắc, đình Đồng Văn còn nổi bật với giá trị người được thờ và cổ vật còn bảo lưu được như: Thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, kiệu thờ, hương án, sập thờ, siêu đao, bát bửu và nhiều đồ thờ tự khác. Căn cứ vào bản thần tích của đình có niên đại Vĩnh Hựu 4 (1738) và 7 đạo sắc phong với các niên đại (Cảnh Hưng 44 (1783), Thiệu Trị 6 (1846), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân 3 (1909), 2 đạo sắc Khải Định 9 (1924) thì người được thờ ở đình Đồng Văn là một trong ba danh tướng có công đánh giặc Hán. Các danh tướng này được gọi là “Tam Công” và các triều vua phong sắc với mỹ tự là: “Đống Sức anh nghị linh thông đại vương”, “Đống Dạ chính trực linh ứng đại vương”, “Thập làng phù vận cảm ứng đại vương” và chuẩn y cho các làng thuộc xã Đại Đồng Thành thờ phụng mãi mãi. Đình còn phối thờ một vị danh y có công với nhân dân địa phương. Việc tôn thờ những người có công với dân với nước là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta.

 

Giá trị của đình Đồng Văn còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống: Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 2 âm lịch đình Đồng Văn lại được mở hội. Xưa kia, để lo việc đình đám, các giáp được nhận ruộng công để cấy lúa, nuôi lợn tế và làm xôi tế thần. Trong những ngày lễ hội có tục tế chạ với làng Đồng Đoài. Hai thôn Đồng Đoài và Đồng Văn thờ chung thần là “Tam Công” nên có tục rước kiệu thần tế lễ giao lưu và đây là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống.

 

Vào Hội, ngay từ ngày mùng 6 làng mở cửa đình bao sái đồ thờ tự phong cờ quạt... Ngày mùng 7, làng tổ chức rước kiệu thần từ các Nghè về đình làng để tế lễ và mở hội. Ngày mùng 9, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về thờ. Ngày mùng 10 chính hội, hai làng Đồng Đoài và Đồng Văn tổ chức rước kiệu thần xuống lăng mộ “Tam công” ở bãi Đền Cò làm lễ xin rước Thánh về đình để tế lễ. Ngày 16 tế giã hội rước thần từ đình về nghè an vị. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: Tuồng, chèo, đu, vật, cờ người, chọi gà... thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương tham gia vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc.

 

Đình Đồng Văn với những giá trị về kiến trúc điêu khắc, người được thờ, cổ vật và lễ hội truyền thống, không những phản ánh bề dày lịch sử, những nét văn hóa tiêu biểu của quê hương nơi đây, mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hóa của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT