Non nước Việt Nam

Khua luống: nhạc hồn bản Thái

Cập nhật: 16/10/2008 14:10:07
Số lần đọc: 2136
Khua luống bắt nguồn từ lao động. Trong quá trình giã gạo, để đỡ nhàm chán, mệt nhọc, thi thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã) hoặc khua chày với nhau mà tiếng kêu phát ra nghe thật vui tai. Dần theo thời gian, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của bản Thái...

Hơn 3h sáng, mặt trời còn ẩn sau núi. Trong từng ngôi nhà sàn, than đã đỏ, lửa soi rạng mặt người. Tiếng chày giã gạo bắt đầu gõ nhịp, thưa thớt... đều đều... dồn dập. Tiếng chày thúc giục mọi người trở dậy, bắt đầu với công việc. Tiếng khua khi nhanh, khi chậm, lúc khoan, lúc nhặt đánh động cả những con chim rừng còn ngái ngủ cùng hòa vào nhịp sống – lao động của một ngày mới nơi rẻo cao... Cứ thế, dần qua thời gian, khua luống – một loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của dân tộc Thái - đã ra đời từ mỗi nhịp chày ấy!

 

Khua luống bắt nguồn từ trong lao động. Giã gạo là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Trong quá trình làm việc, để cho công việc nhanh hơn và đỡ nhàm chán, mệt nhọc, thi thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã gạo) hoặc khua chày với nhau, tiếng kêu phát ra nghe vui tai. Sau những giờ lao động mệt nhọc, tiếng khua luống lại vang lên, thành điệu, thành bài, thành khúc ca dung dị mà thân thuộc của núi rừng...

 

Cụ Pen một lão làng đã sắp bước sang tuổi 80  cho biết:-  Cụ lớn lên bên cối gạo, nhịp chày khua luống đã theo chân cụ từ thời con gái đến nhiều vùng miền trong tỉnh, ngoài tỉnh và đến đâu khua luống (dân tộc Thái trắng) của cụ cũng nhận được sự hoan nghênh của mọi người. Cụ kể: “Khua luống có từ lâu lắm, được truyền từ đời này qua đời khác. Các bà, các cụ khi xưa lớn lên lúc biết cầm chày giã gạo cũng là lúc biết khua luống. Nhà nào cũng khua, 3, 4 người họ cũng khua được, càng nhiều người hòa nhịp với nhau càng vui”. Luống có thể làm bằng nhiều loại gỗ, trừ gỗ tạp dễ mối mọt và gỗ lim nặng, khó đẽo. Nhưng để tiếng nhạc phát ra được thanh và hay, người ta thường dùng gỗ mun, gỗ pào và đặc biệt là gỗ sú. Chọn cây to, thẳng, đẵn thành khúc tùy theo kích thước của luống, đẽo bớt ruột;  chọn những cây hoặc cành nhỏ, chắc thịt làm chày, vậy là công cụ lao động đồng thời là nhạc cụ khua luống ra đời. Dần về sau, khua luống đã trở thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong những dịp lễ, tết hay những sự kiện quan trọng của làng bản. Khua luống được chia thành nhiều điệu: điệu chào khách, điệu mừng cưới, điệu tiễn con cháu lên đường nhập ngũ, điệu đám ma, điệu đi thăm anh em đường xa, điệu mừng lúa mới, điệu lệ làng... Mỗi khi khách quý đến chơi nhà, sau lời chào của “Điệu chào khách”:

 

    “Khách đến nhà em khua tiếng loóng

    Khách đến poỏng noọng khọ nhịp chày

    Tiếng khua này thay lời chào khách”.

 

Tiếng khua luống vang lên tha thiết, đón mời như nâng bước chân người trên mỗi bậc cầu thang. Khua luống trong đám tang là điệu khác nhiều so với những điệu còn lại. Khi nhà có đám tang, người ta khua để báo cho mọi người biết, đến chuẩn bị công việc hoặc đưa hồn vía ông bà về với tổ tiên. Âm điệu của 3 hồi trống cụt kết hợp cùng 3 điệu khua luống phát ra gây cảm giác buồn bã. Khua luống thường hòa với chiêng, trống, boong bù và nhảy sạp làm cho không khí lễ, tết, cưới xin... thêm vui tươi, náo nức như thúc giục, mời gọi mọi người tham gia. Khua luống từ lâu đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Thái. Mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên là bàn chân người ta lại muốn bước, cái bụng người ta lại muốn theo đến nơi có lễ hội, đến nơi vui chơi hay chỉ để nhìn mặt ai đó lần cuối. Âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được cái luyến láy, bổng trầm của những loại nhạc cụ hiện đại, bởi khua luống vốn đơn giản như chính tâm hồn những người sáng tạo và biểu diễn nó, vậy mà bao đời nay nó dường như đã trở thành thứ keo dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương, tình yêu; nó mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT