Non nước Việt Nam

Buôn Ma Thuột ngày ấy và bây giờ

Cập nhật: 14/10/2008 09:24:24
Số lần đọc: 2256
Xưa kia, thủ phủ của vùng đất cao nguyên này được đặt tại Bản Đôn. Năm 1890, Bourgeois - một tên thực dân nổi tiếng nham hiểm, sau khi thu phục được Khumjunop, một tù trưởng, một vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn đã tiếp tục tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Y Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc xây dựng một thủ phủ mới ở đây.

Bourgeois đã nhìn thấy tương lai của vùng đất rộng, bằng phẳng và rất màu mỡ này, 14 năm sau tức năm 1904, thực dân Pháp cho dời thủ phủ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Ngày 02/11/1904 toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, đặt tỉnh lỵ tại Buôn Ma Thuột, dưới sự bảo hộ của Khâm sứ Trung Kỳ. Các công sứ người Pháp, đặc biệt là Sabatier muốn duy trì việc biệt lập Tây Nguyên. Nhưng do nhu cầu thiết lập cơ sở chính trị, hành chính xã hội đòi hỏi sự có mặt của các công chức, vì thế bên cạnh người Pháp, người Êđê, người Kinh đã dần có mặt ngày càng đông, nhất là sau khi có Nghị định ngày 02/07/1923 của toàn quyền Đông Dương về việc thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Đó cũng là cơ sở để đến năm 1928 làng Lạc Giao, một làng người Kinh đầu tiên ở Buôn Ma Thuột được thành lập. Đây là cái mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Buôn Ma Thuột. Nhờ sự phát triển đó nên ngày 05/06/1930 Khâm sứ Trung Kỳ đã ra Nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. Sau giải phóng năm 1975 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thị ủy Buôn Ma Thuột, cán bộ và nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột đã đoàn kết một lòng, lao động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, vì thế ngày 21/01/1995 Chính phủ đã ra Nghị định số 08/CP thành lập thành phố Buôn Ma Thuột trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Ngày nay tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột trở thành quen thuộc, không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới.


Thành phố hôm nay khang trang to đẹp hơn bởi những công trình mới, kiến trúc mới, từ năm 1995 đến nay nhiều con đường được nâng cấp và mở rộng thêm. Nhiều công trình mới được xây dựng như Bưu điện tỉnh, Tỉnh ủy, Thành ủy, Nhà văn hóa  trung tâm, Đài Phát thanh - truyền hình. Đặc biệt khu phố mới phía Đông Bắc của thành phố có Trung tâm Thể thao, các toà nhà cao tầng ... Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột vẫn còn giữ nét đặc trưng bởi những kiến trúc cổ, thường mô phỏng theo kiểu nhà dài của người Ê đê như Biệt điện Đảo Đại, hay như Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột với kiến trúc độc đáo, cũng theo kiểu nhà dài Ê đê, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và ngói vảy tạo nên phong cách độc đáo Tây Nguyên. Và cuối cùng là Chùa Khải Đoan (Sắc Tứ Khải Đoan tự - là từ ghép của 2 tên Khải Định và Đoan Huy) được xây dựng từ  thời Khải Định.


Để tham quan và tìm hiểu rộng hơn về văn hóa, lịch sử thành phố Buôn Ma Thuột, chúng ta có thể thăm Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Dân tộc, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao hoặc các buôn của đồng bào dân tộc Êđê  như (AKoDhong, Kôsia), chúng ta có thể thưởng thức văn nghệ cồng chiêng và uống rượu cần với người dân ở đây. 

Nguồn: website Đăktra

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT