Non nước Việt Nam

Bếp thiêng của người Ca Dong (Quảng Nam)

Cập nhật: 08/10/2008 08:10:22
Số lần đọc: 1732
Người Ca Dong chủ yếu sống ở vùng núi phía tây nam Quảng Nam, định cư tập trung ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Dựa trên quan điểm hợp nhất các nhóm người có quan hệ gần gũi về ngôn ngữ, sinh hoạt văn hóa và ý thức tự giác tộc người, các nhà dân tộc học nước ta đã nhập nhóm Ca Dong vào tộc người Xê Đăng, ngôn ngữ Môn Khơme (ngữ hệ Nam Á).

Người Ca Dong sinh sống cả vùng núi cao sát quần sơn Ngọc Linh (cao 2.598m) lẫn núi thấp giáp với làng người Kinh ở thị trấn Bắc Trà My. Dân số hiện nay khoảng 24.400 người. Họ định cư tập trung thành từng plơi (làng) ở những sườn đồi cao, thoáng hoặc lưng chừng núi và gần nguồn nước. Ranh giới giữa các plơi được phân định bởi các con suối hoặc ngọn đồi cao. Họ ở nhà sàn vừa và nhỏ hình chữ nhật, mái lợp lá hoặc tranh, sàn trên dùng để ở và sinh hoạt, phần dưới dùng để đồ dùng, dụng cụ lao động và nuôi gia súc...

 

Nền văn hóa Ca Dong là bộ phận không nhỏ góp phần hình thành nên bức tranh tổng thể của văn hóa các dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn  - Tây Nguyên. Xuất phát từ đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng... mà tộc người nơi đây đã “sở hữu” những nét văn hóa độc đáo riêng. Chẳng hạn, cái bếp thiêng, và những quan niệm về thần lửa (Yàng Pui).

 

Xưa, người Ca Dong sống trên những dãy núi cao bằng nghề săn bắn, hái lượm và chặt, đốt rừng làm nương rẫy, đêm đêm đốt lên những đống lửa rất to để sưởi ấm và chống lại sự tấn công của thú rừng. Trải qua hàng ngàn năm, hình ảnh ngọn lửa trở nên quen thuộc, gần gũi và đi vào tâm thức của cộng đồng cư dân. Người Ca Dong rất tin tưởng vào Yàng Pui. Trong làng, bất cứ nhà nào cũng phải có bếp lửa đặt ở giữa nhà chính để nấu ăn hàng ngày và ngọn lửa cũng được đốt lên rực hồng để sinh hoạt, nhảy múa trong các dịp lễ hội. Bên cạnh bếp lửa truyền thống này, họ còn đặt thêm một bếp thiêng chỉ phục vụ cho việc nấu cơm để cúng trong các lễ hội (cúng máng nước, đâm trâu, mừng lúa mới, tết đầu năm...). Bếp thiêng được đặt ở buồng kín trong nhà, nơi không có người qua lại.

 

Theo quan niệm của người Ca Dong, bếp thiêng là hiện thân của một vị thần may mắn phù hộ trong gia đình cần phải được tôn thờ. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình. Vì những ý nghĩa đó, người Ca Dong không có tục đưa ông Táo (bếp thiêng) về trời như người Kinh mà ông Táo phải thường xuyên ở bên họ suốt năm tháng và cả cuộc đời.

 

Bếp thiêng được chủ nhà bảo vệ hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt, trẻ em, người lạ mặt tuyệt đối không được đến gần. Đặc biệt không được sờ mó, lấy đũa hoặc cây củi gõ vào, vì làm như vậy là xúc phạm đến thần lửa, xúc phạm đến thần may mắn và điều xấu sẽ đến với gia đình.

 

Đặt bếp thiêng trong nhà là việc làm hết sức hệ trọng và mang đầy ý nghĩa tâm linh. Trong làng, thường những gia đình chủ nhà có tuổi, giàu có, đông con, hay tổ chức cúng tế mới đặt bếp thiêng. Sau khi được sự cho phép của già làng thì công việc rước bếp thiêng về nhà được tiến hành. Bếp thiêng của người Ca Dong không làm bằng đất nung mà được lấy từ ba hòn đá ở trên rừng, nơi đầu nguồn có máng nước dân làng dùng để uống hằng ngày. Theo quan niệm của người Ca Dong: đàn ông là biểu tượng của núi rừng, đàn bà là hiện thân của bến nước, nên việc đi rước bếp thiêng từ máng nước trên nguồn về cho mỗi gia đình trong làng chỉ duy nhất do bà chủ làng (vợ già làng) thực hiện.

 

Khi người Ca Dong chuyển cư hoặc dời làng đến nơi ở mới, họ không mang theo bếp thiêng. Lúc này, họ trân trọng đem ông Táo đến gửi ở những cánh rừng ma (nơi chôn những người chết trong làng) và đặt tại các gốc cây cổ thụ. Việc rước và đặt bếp thiêng sẽ thực hiện lại những bước như lần trước.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT