Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống Lễ hội Nào Sồng của đồng bào H’Mông (Sơn La)

Cập nhật: 10/09/2008 15:09:18
Số lần đọc: 1776
Cao nguyên Mộc Châu cao trên 1.050m so với mặt biển, khí hậu ôn hoà, là nơi cư trú lâu đời của đồng bào H’Mông ngành Mông hoa. Nơi đây, bà con dân tộc H’Mông không chỉ có cuộc sống kinh tế- xã hội phát triển, mà các lễ hội văn hóa cũng được duy trì, bảo tồn và phát huy, trong đó nổi bật là lễ hội Nào Sồng.

Đây là lễ nghi, nhu cầu tâm linh của dân bản trước vòng quay tuần hoàn của thiên nhiên, mùa vụ; là niềm tin sâu đậm của của người dân trước những bí ẩn của thiên nhiên; là dịp để cộng đồng lập lại sự công bằng trong quan hệ nhiều chiều: giữa người và người; giữa người và vạn vật; giữa người và thế giới tâm linh; giữa người và vũ trụ. Đó là triết lý mang đậm màu sắc Á đông của người Việt nói chung, của các dân tộc sống trên mảnh đất Tây Bắc nói riêng về trời, đất và con người.


Ông Mùa A Chia, Bí thư Đảng uỷ xã Lóng Luông, cho biết: “Lễ hội Nào Sồng thường được tổ chức vào trung tuần tháng một dương lịch hàng năm. Nhưng bây giờ, cứ vào dịp Tết độc lập (2-9) hàng năm, bà con lại tổ chức nghi lễ này trên sân khấu để ôn lại truyền thống văn hóa rất riêng của đồng bào H’Mông. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa để các thế hệ tiếp nối bảo tồn và phát huy”. 


Thông thường, trước ngày diễn ra lễ hội, bản được chọn tổ chức lễ hội tiến hành họp dân để chọn chủ lễ. Sau khi công tác chuẩn bị địa điểm, thời gian và các nghi thức, vật lễ đã hoàn tất, chủ lễ dẫn một người giúp việc mang theo mấy thẻ hương đến nơi đã chọn tổ chức lễ hội, thắp hương cắm xung quanh gốc cây (hoặc hòn đá) khấn báo với sơn thần, thổ địa, xin phép cho dân bản tổ chức lễ hội Nào Sồng để tạ ơn sự phù hộ, độ trì của thần linh. Sau đó, chủ lễ quay về thông báo với già làng, trưởng bản là thần linh đã đồng ý cho dân bản tổ chức lễ hội.

6 giờ 30 phút sáng. Chủ lễ mặc quần áo dân tộc truyền thống, lưng đeo con dao nhọn cho vào vỏ bao, vai đeo túi vải có đựng 2 mảnh sừng trâu chẻ đôi, 4 chiếc cốc bằng nứa, 1 chai rượu trắng, các giấy bản, thẻ hương, 1 chiếc kéo và dẫn đầu đoàn người trong bản đi đến nơi hành lễ. Sau khi dùng thuổng đào hố chôn 5 cột bàn để đặt mâm lễ, dùng kéo cắt các tờ giấy xanh, đỏ, trắng thành các chùm hoa giấy treo lên các đầu chân bàn. Xong tất cả các thủ tục, chủ lễ kính cẩn cúi trước bàn bày lễ, thắp hương khấn xin thần linh nhận lễ vật và cho phép dân làng tổ chức lễ hội. Lời khấn có đoạn: “Lễ vật đã được nấu chín, dân bản mời sơn thần thổ địa, vị thần hộ mệnh của bản về ngự và thưởng thức lễ vật. Dân bản cầu xin thần che chở, phù hộ cho dân bản luôn mạnh khoẻ, giống nòi phát triển, mọi người đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, cũng như trong khó khăn hoạn nạn. Cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa này chăn nuôi phát triển, lúa ngô đầy nhà, trâu bò, lợn gà đầy sân, làm một thành mười...”.

Tiếp sau phần cầu xin, chủ lễ xin thần linh chứng giám và theo dõi việc thực hiện các luật tục của dân bản: “Cầu xin thần linh chứng giám, dân bản xin hứa chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không chặt phá rừng làm nương ở rừng đầu nguồn; không làm bẩn, ô nhiễm nguồn nước chung của dân bản; không lấy măng, tre, nứa ở các khu rừng khoanh nuôi bảo vệ; không thả rông gia súc; không đánh chửi nhau, gây mất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn, ốm đau; không cưới vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi quy định; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; không cờ bạc, nghiện hút và buôn bán ma túy, không trồng cây thuốc phiện; cho con đi học đầy đủ, ăn ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh chung...” Sau khi khấn xong, những lời cam kết  ghi trong giấy được chủ lễ đặt lên bàn thờ.


Sau phần lễ là phần hội. Nếu như phần lễ có tính chất trang nghiêm, thành kính, mang đậm màu sắc tâm linh, không có yếu tố mê tín dị đoan thì phần hội lại mở ra một không khí vui vẻ, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc thông qua sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Đây không chỉ là lúc tâm hồn con người thăng hoa, người dân có thể thỏa sức đắm mình trong tiếng trống, tiếng khèn, hòa cùng những giai điệu lời ca, điệu múa ngất ngây trong hương rượu nồng và những trò chơi dân gian kỳ thú như: ném pa pao, nhảy tha kềnh, chơi tu lu, rồng ấp trứng... tạo ra bầu không khí sôi động, thu hút sự chú ý của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Đáng quan tâm nhất là các cuộc thi mang tính cổ truyền như kéo co, bắn nỏ, giã bánh dày. Việc tổ chức các phần thi không chỉ là nguồn vui, nguồn động viên to lớn đối với người dân tộc H’Mông tại các bản, mà còn là cơ hội để mỗi người dân có thể tự xây dựng, tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm quý báu trong việc tạo ra những sản phẩm đặc trưng có vị trí trong lòng người xem và thưởng thức.

Lễ hội Nào Sồng của dân tộc H’Mông ngành Mông hoa là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một môi trường văn hóa đặc thù, một mảng màu rõ nét trên bức tranh văn hóa đa sắc màu các dân tộc Sơn La nói chung, của dân tộc H’Mông nói riêng. Đây là một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, chứa đựng tất cả những khát vọng, những ước muốn, thiết tha và mãnh liệt của dân tộc H’Mông. Lễ hội có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người, bởi nó là nhu cầu, khát vọng của người dân, là dịp để người dân giải tỏa mọi lo âu, những khao khát, ước vọng. Đây là một lễ hội cổ truyền từ lâu đời, được hình thành, tồn tại và phát triển trong dòng chảy của lịch sử dân tộc H’Mông nói chung, ngành Mông hoa nói riêng được các thế hệ lưu truyền và gìn giữ.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT