Non nước Việt Nam

Chùa Khmer: Nơi hội tụ các giá trị văn hóa dân tộc

Cập nhật: 10/09/2008 08:09:41
Số lần đọc: 2245
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ, nơi dừng chân của những dòng chảy văn hóa theo chiều lịch sử từ Bắc xuống Nam, theo đó, những giá trị văn hóa cùng kết tinh lắng tụ. Vẻ đẹp nơi đây không chỉ ở tâm hồn thuần hậu, chất phác của con người Nam bộ mà còn là sự quyến rũ của nền "Văn minh miệt vườn sông nước”.

Chủ nhân vẻ đẹp của dải đất phù sa đồng bằng sông Cửu Long này là 4 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer - Chăm cùng cộng sinh trên một dải đất phù sa nhưng lại nở ra 4 bông hoa xinh đẹp thuần khiết. Trải qua mấy trăm năm tồn tại và giao lưu, nhưng mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng không lẫn vào đâu được.

Đóng góp cho văn hóa đồng bằng sông Cửu Long phải kể đến bản sắc văn hóa của cộng đồng Khmer, dân tộc Khmer là một tộc người có nền văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc. Đây là tộc người đứng thứ 5 trong các tộc người thiểu số của Việt Nam và đứng thứ nhất trong các tộc người thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi nghiên cứu về văn hóa Khmer người ta cùng đi từ một mẫu số chung đó là: Ngôi chùa Khmer - Chùa Khmer là sự tổng hòa các sắc thái riêng của văn hóa Khmer gồm: Phong tục, tập quán, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật dân gian, kiến trúc và điêu khắc, hội họa... Từ xa xưa, người Khmer đến chùa lễ Phật cầu mong cuộc sống an lành hạnh phúc, trẻ em đến chùa học chữ, thanh niên vào chùa để tu học làm người. Chùa trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; người Khmer thường có câu "kon lóengana, niêm Khmer, kon lóeng nưng, niêm watt" (nơi nào có người Khmer, nơi ấy có chùa). Đã từ lâu ngôi chùa Khmer là thế đối trọng với những ồn ào của cuộc sống, ngôi chùa Khmer thông qua các vị sư sãi đã góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, mỗi khi nó bị xâm phạm, bị tổn thương, ngôi chùa là nơi làm trong sạch bầu không khí cộng đồng, là nơi tĩnh tâm, làm dịu đi những căng thẳng trong tâm hồn. Người Khmer bảo vệ ngôi chùa như bảo vệ cuộc sống của chính mình, họ chấp nhận sự túng thiếu trong phum sóc, nhưng no đủ, đẹp đẽ cho chùa. Ngôi chùa trở thành một nơi ẩn chứa sức mạnh tinh thần, nền tảng đạo đức, luân lý... Mỗi ngôi chùa không chỉ một không gian văn hóa mà còn mang một không gian thiêng, thánh thiện. Con người khi bước vào ngưỡng cửa của chùa như bước vào thế giới thanh tịnh niết bàn. Với người Khmer từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến lúc qua đời, mọi sự buồn vui đều diễn ra ở ngôi chùa. Đạo Phật tiểu thừa mang tính xã hội hóa, nó bám rễ sâu vào đời sống của con người, với tư tưởng nhập thế, theo lẽ sống an bằng, vị tha, vô tư, hỷ xả; các vị sư Khmer với triết lý sống làm phước, họ quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong phum sóc, có mặt trong những lúc người dân khó khăn nhất và không đòi hỏi một điều kiện gì. Nhà chùa có chức năng là một ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý, đóng vai trò của một thiết chế giáo dục, do vậy càng làm tăng thêm sự kính trọng của nhân dân với các nhà sư và ngôi chùa Khmer.

Ngôi chùa Khmer không chỉ là không gian thiêng, giàu tính tâm linh mà còn là một trung tâm hoạt động văn hóa xã hội của người Khmer. Về kiến trúc, ngôi chùa Khmer được xem như một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần, cả về lịch sử lẫn nghệ thuật ... Từ cổng chùa (Khă-Lôông-Thă-Via) đến kiến trúc Chánh điện (Pré-Vihear) từ kiến trúc Sala đến kiến trúc nhà Tăng (Kodh), mỗi công trình đều là một chỉnh thể mỹ thuật hoàn hảo nó chứa đựng triết lý sâu xa với trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay điêu luyện của nghệ nhân người Khmer. Những bức tượng Phật trang nghiêm với tòa sen đồ sộ tỏa sáng sự thông thái và lòng nhân hậu từ bi, với những hình tượng chim thần (Krud-garuda) ưỡn ngực đỡ lấy mái chùa thật khỏe khoắn và dũng mãnh với hình tượng rắn thần NaGa được gắn lên mái chùa, cong vút, vẽ lên nền trời xanh một đường cong kỳ ảo, như mời gọi đức Phật hãy dừng lại để ban phước cho dân lành ... Có lẽ, một ấn tượng làm ta ngỡ ngàng và lưu luyến không nguôi đó là những dải hoa như bất tận, họa tiết tinh xảo và quyến rũ lòng người. Hoa văn dây leo Pha-nhi-vo, Pha-nhi-pha-lơng, hoa văn có dạng như ngọn lửa đang uốn lượn, hoa Đok-chăn-hiên loài hoa thật thanh khiết giản dị, với 4 cánh thể hiện cho 4 phương trời quanh núi vũ trụ Mêru, rồi hoa văn Tuông-Hok, hoa sen, tượng đầu rồng, Kenno ... tất cả được thể hiện hết sức sinh động, với màu sắc nguyên thể, tương phản, cực kỳ rực rỡ, đã phản ánh cảm xúc và tâm hồn thuần hậu, chân chất của người Khmer, nó là bản sắc, là cốt cách tạo nên nền văn hóa dân tộc độc đáo và bền vững, trải với thời gian nền văn hóa ấy chỉ càng đẹp thêm mà không mất đi.

Ngôi chùa Khmer là một bảo tàng giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer, ngôi chùa còn là sự kết tinh các giá trị đạo đức, thẩm mỹ và nghệ thuật. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer phải đi từ ngôi chùa, nhưng như thế không có nghĩa là chỉ giữ ngôi chùa thôi mà cần phải giữ gìn môi trường văn hóa, giữ gìn tình yêu quê hương, yêu dân tộc, phải giữ lại các giá trị truyền thống quí giá của dân tộc thông qua các lễ hội và phong tục tập quán. 

Nguồn: website Vannghesongcuulong

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT