Tin tức - Sự kiện

Nghề dệt thổ cẩm làng Teng (Quảng Ngãi)

Cập nhật: 22/07/2008 08:07:11
Số lần đọc: 1741
Làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) hiện là nơi duy nhất trong cộng đồng người Hre ở Quảng Ngãi còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, nghề này đang mai một dần theo năm tháng.

Làng Teng hiện có 200 hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là người Hre. Trong gian nhà sàn nằm ở gần giữa làng, bà Phạm Thị Đóa, một trong số ít gia đình còn giữ nghề này kể: "Trước đây, ở trong làng, nhà nào cũng có khung dệt, nhưng bây giờ, chẳng mấy ai còn giữ, vì con gái trong làng chỉ thích mặc dưới xuôi, quần áo may sẵn ở các tiệm ngoài thị trấn thôi".


Nhắc về thời vàng son của thổ cẩm, già làng Phạm Văn Đi nhớ lại: "Khi xưa, cứ sau khi những đám lúa trên nương được mang về cất vào nhà kho thì đàn bà, con gái trong làng này bắt tay vào dệt váy, khố, khăn đội đầu, tấm địu con, dây đeo, mền đắp...".


Đối với người Hre thì sắc màu được yêu thích và được thể hiện nhiều nhất trên thổ cẩm là đỏ và đen. Không như các tộc người anh em khác, các họa tiết hoa văn của người Hre tuy bình dị, không phô trương một cách rực rỡ, nhưng rất đa dạng và phong phú, với những hình ảnh gần gũi và gắn bó với cuộc sống đời thường của con người nơi đây, như cảnh núi rừng, sông suối, trời mây, nương rẫy... Những hoa văn đó được thể hiện trong hình thoi, hình quả trám, hình chữ nhật, hình vuông nối tiếp nhau để tạo nên đường thẳng, hay lượn sóng.


Sự độc đáo của hoa văn trên thổ cẩm làng Teng là nó được dệt cài, chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải mà ta vẫn thường thấy. Để dệt 1 tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, thường mất từ nửa tháng đến 1 tháng, tuỳ theo loại và kích thước. Mặc dù tốn nhiều công sức như vậy, nhưng giá của mỗi tấm thổ cẩm trên thị trường hiện bán khá thấp, không bằng thu nhập từ đi rừng, hay làm những công việc khác. Bên cạnh đó, trang phục hiện đại đang "xâm lấn" mạnh mẽ vào các thôn bản, nên lớp trẻ trong làng bây giờ chẳng mấy ai còn muốn đeo đuổi nghề này.


Với chất liệu và nét độc đáo riêng, nên trước đây, sản phẩm thổ cẩm của làng Teng đã trở thành một thứ hàng hoá được một số người dân địa phương đem trao đổi, mua bán ở các vùng lân cận như Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long và cả tỉnh bạn như Kon Tum, Bình Định... Tuy nhiên, do việc sản xuất, mua bán mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của chính quyền địa phương, nên thổ cẩm làng Teng mai một dần và đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.


Được biết, vừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư kinh phí để khôi phục nghề dệt thổ cẩm của làng Teng, cùng một số nghề truyền thống khác. Với nỗ lực này, hy vọng trong một tương lai không xa, khi Ba Tơ trở thành một trong những điểm đến trong tour du lịch phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, thì thổ cẩm làng Teng sẽ góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách đến với vùng đất này.

Nguồn: VIR

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT