Hành trang lữ khách

Đến với “Festival Tây Sơn – Bình Định”

Cập nhật: 09/07/2008 10:07:55
Số lần đọc: 3247
Đầu tháng 8/2008, tại Bình Định sẽ diễn ra “Festival Tây Sơn – Bình Định” với nhiều hoạt động sôi nổi mang nét đặc trưng của miền đất võ như: Liên hoan võ thuật, thi đấu võ, liên hoan tuồng Đào Tấn, hội làng nghề truyền thống, liên hoan sinh vật cảnh…

Ngoài địa điểm chính tại TP Quy Nhơn, lễ hội còn diễn ra ở các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn. Đây chính là thời điểm thích hợp để người đồng bằng làm một chuyến du lịch ra quê hương của vị anh hùng áo vải Quang Trung.

 

Trước khi đến TP Quy Nhơn, điểm tham quan đầu tiên mà du khách không thể không ghé lại trên địa phận Bình Định là đèo An Khê và núi ông Bình, ông Nhạc. Đèo An Khê nằm trên Quốc lộ 19, nối liền hai tỉnh Gia Lai- Bình Định. Đèo cao 740m so với mặt biển và dài 10km. Hai bên con đường quanh co của đèo An Khê có rất nhiều hang hóc, vách đá gắn liền với những giai thoại lịch sử thời Tây Sơn như núi ông Bình, ông Nhạc, hang Tối Trời, hang Cọp...

 

Núi ông Bình (tên chữ của vua Quang Trung- Nguyễn Huệ lúc còn ở quê nhà) cao 840m, rậm rạp và bề thế. Đứng trên núi ông Bình, du khách có thể quan sát cả đèo An Khê, vùng thung lũng An Khê và vùng lưu vực thượng nguồn sông Côn. Từ đây, trông xuống, đèo An Khê như một con trăn khổng lồ quấn lấy chân non. Tương truyền, hơn hai trăm năm trước, đây chính là nơi trú ẩn của nghĩa quân Tây Sơn và là nơi xuất phát đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Núi ông ông Nhạc cao 600m, nằm đối diện với núi ông Bình, cũng là nơi trú quân của Nguyễn Nhạc và là điểm nhà Tây Sơn xuất quân xuống đồng bằng, dựng cờ khởi nghiệp. Hiện nay, ở hai ngọn núi này còn lưu lại di tích gò Kho và bờ Lũy ông Nhạc.

 

Trong hành trình về Quy Nhơn, bạn cần dừng chân ở Bảo tàng Quang Trung nằm cách TP Quy Nhơn 45 km. Đây là một trong những bảo tàng đẹp nhất nước ta hiện nay. Ngoài những hiện vật quý lưu giữ, điều đặc biệt làm nên sức thu hút du khách ở đây chính là những màn biểu diễn võ Bình Định. Với những du khách ưa khám phá, thì Hồ Núi Một là địa chỉ khó bỏ qua. Hồ Núi Một là một hồ chứa nước nhân tạo nằm giữa một cánh rừng xanh tươi. Đi thuyền ra giữa lòng hồ là bạn đã vào đến khu rừng xanh tươi để được nghe âm thanh của nhiều loài động vật hoang dã. Trong rừng, bạn có thể thăm một ngọn thác và dừng chân ở các nhà sàn, gọi các món ăn đặc trưng của nơi này.

 

Dịp “Festival Tây Sơn- Bình Định” năm nay, du khách yêu thơ sẽ có dịp dự đêm thơ Hàn Mặc Tử- Xuân Diệu tại điểm du lịch mộ Hàn Mặc Tử- Ghềnh Ráng. Khu du lịch này nằm cách trung tâm thành phố chỉ 2km. Nếu là ban ngày, du khách có thể từ đồi Thi Nhân, theo đường Hàn Mặc Tử, đến bãi tắm Hoàng Hậu nằm trong khu Ghềnh Ráng để thỏa thích tắm biển trên bãi biển trong xanh và nhiều đá cuội này.

 

Hai lễ hội trọng tâm của “Festival Tây Sơn- Bình Định” lần này là Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực dự kiến sẽ được diễn ra tại khu công viên Trung Tâm (eo Nín Thở- TP Quy Nhơn). Tại lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của 3 khu vực miền núi, đồng bằng và vùng biển của Bình Định sẽ được giới thiệu đến du khách. Người dự lễ hội sẽ được tận tại, tận mắt xem các tiết mục nghệ thuật dân gian như biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Bana, múa Chăm, múa dân tộc H’Rê, hát Bội, thi trình diễn nghi thức cúng tổ nghề rèn...

 

Du khách còn tha hồ thưởng thức các món ăn tiêu biểu của miền Trung. Không chỉ có nem chả chợ Huyện, bánh hỏi lòng heo, bún tôm Phù Mỹ của Bình Định mà lễ hội ẩm thực còn quy tụ nhiều đặc sản đến từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên như bê thui, gỏi lá, sò huyết Ô Loan, cơm gà, mì Quảng...

 

Từ Cần Thơ ra Bình Định có thể đi bằng nhiều phương tiện như máy bay, tàu hỏa hay xe ô tô, nhưng đa số du khách chọn cách đi xe ô tô. Bình Định không quá xa nên đi xe ô tô du khách có thể vừa đi vừa ngắm nhìn phong cảnh núi non, đất nước.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục