Hoạt động của ngành

Đảo Phú Quý (Bình Thuận): Hứa hẹn phát triển du lịch văn hóa, tâm linh

Cập nhật: 19/05/2011 09:35:00
Số lần đọc: 2593
Nằm cách đất liền hơn 100km, Phú Quý được coi là đảo tiền tiêu vùng lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc. Tuy diện tích nhỏ, nhưng Phú Quý luôn tự hào với bề dày lịch sử, với hơn 30 di tích tín ngưỡng dân gian, cùng nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Huỳnh Văn Hưng, bên cạnh việc bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, Phú Quý sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư để xây dựng các dự án phát triển du lịch.

Phú Quý đã quy hoạch chi tiết các khu du lịch trên cơ sở tiềm năng về thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Theo đó, huyện sẽ có 5 khu du lịch (KDL) với các sản phẩm riêng biệt. Đó là KDL bãi tắm Doi Dừa có diện tích từ 5-7 ha với 2 khách sạn quy mô 50 phòng và 2 nhà hàng cùng dịch vụ giải trí. Sẽ có 3 KDL được quy hoạch xây dựng hệ thống resort phục vụ nghỉ dưỡng biển cao cấp.

Cụ thể, KDL Bãi Nhỏ - Gành Hang xây dựng 2-3 resort trên diện tích 10-20 ha; KDL nghỉ dưỡng Mộ Thầy có 2-3 resort theo mô hình nghỉ dưỡng và giải trí biển trên diện tích 10-20 ha; KDL Vịnh Triều Dương xây dựng 2 nhà nghỉ và phố resort.

Riêng KDL Hòn Tranh với diện tích 10-12 ha xây dựng các nhà nghỉ kết hợp hệ thống cây xanh tạo cảnh quan và các dịch vụ biển như lặn biển, ca nô thám hiểm đảo, lướt dù trên biển, thể thao biển.

Chọn thế mạnh là du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng và giải trí, Phú Quý đã chuẩn bị 5 điểm du lịch rất độc đáo để chào đón du khách. Như dịch vụ ca nô tham quan các đảo Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Hãi, Hòn Bố kết hợp câu cá trên biển.

Nếu tham quan núi Cao Cát, chùa Linh Sơn, Miếu Bà Chúa Bàng Tranh, Mộ Thầy gắn với tìm hiểu nghề nuôi trồng hải sản, thì điểm tham quan Vạn An Thạnh sẽ được xem nhà trưng bày xương cá Voi, các chùa Linh Quan, Thạnh Lâm, Linh Bửu. Ngoài ra, du khách sẽ rất bất ngờ với các điểm tham quan rất riêng của Phú Quý như bè nuôi cá mú, nuôi cua huỳnh đế, thám hiểm ngọn hải đăng, núi Cấm…

Sở VHTTDL Bình Thuận cho hay, ngành văn hóa vừa phối hợp với UBND huyện Phú Quý tổ chức lễ trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ thầy Sài Nại và đình làng Long Hải, đây là di tích thứ 6 và 7 trên đảo được nhà nước xếp hạng.

Hiện Phú Quý đang tập trung khôi phục, tôn tạo và phát triển các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống như đan các vật dụng bằng rễ dứa dại, các làng nghề làm sản phẩm lưu niệm, các nét văn hóa ẩm thực biển độc đáo và nhất là các lễ hội dân gian truyền thống phục vụ du lịch. Trước mắt là phục dựng 2 lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian miền biển là Lễ hội Rước sắc Thầy và Lễ hội Cầu Ngư hàng năm.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hưng, để thuận tiện cho du khách đến với Phú Quý, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư phát triển các đội tàu cao tốc, trung tốc để rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa đảo với đất liền .

Đồng thời dự án Nhà máy Điện gió Phú Quý do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đầu tư, với công suất lắp đặt 6 MW đã được khởi công xây dựng, với tổng vốn 335 tỷ đồng. Dự kiến Nhà máy hoàn thành vào cuối năm 2011, khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng điện hàng năm 25,4 triệu kW/h và được đấu nối lên đường dây 220kV, vận hành đồng bộ với Nhà máy điện diesel hiện có, sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay .

Việc chính quyền tỉnh Bình Thuận đang tập trung tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, chắc chắn huyện đảo Phú Quý sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục